Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars của Nga trong cuộc diễu binh tại Quãng trường Đỏ. Ảnh: Getty Images |
Nga, Mỹ và Trung Quốc đang tích cực theo đuổi thế hệ vũ khí hạt nhân mới nhỏ hơn, quy mô hủy diệt ít hơn. New York Times nhận định, quá trình phát triển này dẫn đến nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới, làm đảo lộn cán cân hạt nhân giữa các nước trong hơn nửa thế kỷ qua.
Các quan chức Mỹ cho rằng, thái độ cứng rắn của Tổng thống Nga Vladimir Putin gây cản trở hiệp ước kiểm soát vũ khí năm 2010, nhằm giảm kho dự trữ vũ khí hạt nhân giữa 2 nước. Một số quan chức khác lại đổ lỗi cho Trung Quốc đang tìm kiếm thế mạnh công nghệ để kiềm chế Mỹ.
Một số ý kiến khác cho rằng việc Mỹ hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân nhằm đảm bảo “an toàn và độ tin cậy” góp phần làm Nga và Trung Quốc lo lắng, khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân tại Washington vào đầu tháng 4, Tổng thống Barack Obama thừa nhận, những hệ thống vũ khí mới hiệu quả, nguy hiểm hơn cuối cùng sẽ dẫn đến sự leo thang toàn cầu của cuộc chạy đua vũ trang mới.
Nga, Trung Quốc tích cực phát triển vũ khí mới
Nga đang phát triển loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới có khả năng mang 4 đầu đạn hạt nhân thu nhỏ. Một số chuyên gia lo ngại rằng, Moscow có thể vi phạm lệnh cấm thử nghiệm toàn cầu đối với vũ khí hạt nhân.
Trước đó, truyền thông Nga đã vô tình để lộ thiết kế tàu ngầm không người lái có thể mang đầu đạn hạt nhân. Vũ khí này sẽ tạo ra một vụ nổ hạt nhân dưới nước phá hủy các mục tiêu quan trọng ở khu vực ven biển của đối phương.
Ảnh đồ họa tên lửa siêu thanh HTV-2 của Mỹ. Ảnh: DARPA |
Trong khi đó, Trung Quốc đang phát triển và thử nghiệm tên lửa siêu thanh với tốc độ hàng chục nghìn kilomet mỗi giờ. Vũ khí này được phóng vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy tầm xa, sau đó, đầu đạn sẽ tách ra khỏi tên lửa và lao xuống trái đất với tốc độ không thể đánh chặn.
Mỹ là quốc gia đầu tiên thử nghiệm vũ khí siêu thanh. Vụ thử năm 2014 tuy thất bại, nhưng thử nghiệm tiếp theo đã được lên kế hoạch vào năm 2017. Bên cạnh đó, Washington cũng đang xúc tiến chương trình phát triển vũ khí thế hệ 5 theo xu hướng nhỏ, tàng hình và chính xác.
“Chúng ta đang chứng kiến loạt đạn mở đầu cho cuộc chạy đua vũ trang mới”, James M. Acton, nhà phân tích cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận xét khi đánh giá sức mạnh quân sự Trung Quốc.
Nỗi sợ hãi về các loại vũ khí mới dẫn đến những lo lắng về “sự hủy diệt lẫn nhau” trong học thuyết Chiến tranh Lạnh. Bất kỳ cuộc tấn công nào sẽ dẫn đến sự trả đũa ồ ạt và cuối cùng là sự tiêu diệt lẫn nhau. Người ta đang lo ngại sự chính xác và quy mô phá hủy nhỏ hơn của vũ khí mới làm tăng “sự cám dỗ để sử dụng chúng”.
Một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi, liệu kế hoạch nâng cấp vũ khí của chính quyền Obama có kích động cuộc chạy đua, hoặc Nga, Trung Quốc đang sử dụng Mỹ như cái cớ để hoàn thiện vũ khí mà họ chưa từng phát triển trước đó.
Bắc Kinh và Moscow đang thử nghiệm vũ khí không gian có thể tấn công các vệ tinh quân sự của Mỹ trước khi xảy ra chiến tranh hạt nhân. Đáp lại, Washington phóng vào không gian một vệ tinh quan sát bí mật có thể giúp ngăn chặn và đánh bại cuộc tấn công như vậy.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Tổng thống Obama thừa nhận sự căng thẳng đang gia tăng bởi quá trình nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của các nước. Các quan chức Nhà Trắng cho biết, họ sẽ cố gắng giảm tối đa những lo lắng và phản ứng đối với quá trình hiện đại hóa quân sự Mỹ.
Avril Haines, Phó cố vấn An ninh quốc gia cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Khi căng thẳng gia tăng, chúng tôi sẽ thực hiện các bước để tránh không làm phức tạp thêm tình hình”.
Vũ khí hạt nhân đang mất dần sự kiểm soát
Tổng thống Obama nhậm chức vào năm 2009 với mong muốn “thiết lập lại quan hệ với Moscow”, giảm sự phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân và tiến tới loại bỏ chúng. Ông là tổng thống đầu tiên thực hiện giải trừ vũ khí hạt nhân như một trọng tâm trong chính sách quốc phòng Mỹ.
Ban đầu, Nga và Mỹ dự định ký kết Hiệp ước giảm Vũ khí Tiến công Chiến lược (START) mới vào năm 2010. Cùng năm, Tổng thống Obama ra lệnh giới hạn đầu đạn hạt nhân lắp trên tên lửa liên lục địa của Mỹ tối đa là 3. Đó là tín hiệu cho thấy các tên lửa chú trọng vào mục đích phòng thủ hơn là tấn công.
Hình ảnh được cho là xe phóng tên lửa liên lục địa DF-41 có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc. Ảnh: Huanqiu |
Nhưng Moscow chưa đáp lại đề xuất từ phía Mỹ, thay vào đó, Nga phát triển thế hệ tên lửa liên lục địa mới mang 4 đầu đạn hạt nhân. Tổng thống Obama cáo buộc người đồng cấp phía Nga gây cản trở Hiệp ước START mới.
William J. Perry, cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton cho biết, ông lo ngại Moscow sẽ rút khỏi Hiệp ước cấm Thử nghiệm Hạt nhân toàn diện ký kết vào năm 1996. “Tôi tin rằng, họ đang phát triển một quả bom hạt nhân mới và muốn thử nghiệm nó”, ông Perry nói trong một cuộc phỏng vấn.
Tại Mỹ, các chuyên gia quân sự cho rằng, vũ khí thu nhỏ sẽ giúp ngăn chặn sự mở rộng các cuộc tấn công tiềm năng. Trong tháng 2, Nhà Trắng ủng hộ sự phát triển một tên lửa hành trình tiên tiến phóng từ máy bay ném bom. Vũ khí này có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương để phá hủy mục tiêu.
Lầu Năm Góc cũng đang hoàn thiện đầu đạn siêu thanh trước khi Bắc Kinh có thể phát triển thành công vũ khí tương tự. Nó là một vũ khí phi hạt nhân, tốc độ rất nhanh và chính xác để tấn công các mục tiêu cố định như silo phóng tên lửa của đối phương.
Trong báo cáo của Ủy ban An ninh Kinh tế Mỹ - Trung công bố năm 2015 nhận định, Bắc Kinh đang cảm thấy bị bao vây. Trung Quốc nhìn thấy vũ khí siêu thanh của Mỹ là phương tiện để tấn công Bắc Kinh mà không vượt qua ngưỡng hạt nhân. Điều đó làm phức tạp thêm hành động trả đũa hạt nhân.
Christopher P. Twomey, chuyên gia về an ninh tại Trường Nghiên cứu sinh Hải quân Mỹ ở California cho rằng, Bắc Kinh nhìn nhận kế hoạch hạt nhân của Washington với "con mắt tiêu cực".
Ông chỉ ra kế hoạch phát triển bom dẫn hướng mới, các tên lửa hành trình tiên tiến cũng như phương tiện phóng mới của Trung Quốc.
Bắc Kinh đang học theo Moscow, phát triển tên lửa lục địa mới với khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân, từ chối đề xuất giảm vũ khí nguyên tử của ông Obama.
Ngoài việc bộ 3 Mỹ, Nga, Trung đang đẩy mạnh chạy đua vũ trang, các chuyên gia cảnh báo rằng, việc các nước này triển khai các trạm radar cảnh báo sớm tên lửa làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh.
Những năm Chiến tranh Lạnh, các hệ thống cảnh báo tên lửa của Mỹ và Liên Xô không ít lần đưa ra cảnh báo nhầm, khiến thế giới nhiều lần đứng bên bờ vực của thảm họa tấn công hạt nhân.
Mark Gubrud, chuyên gia về vũ khí hạt nhân tại Đại học North Carolina, người từng vận động lệnh cấm toàn cầu về việc thử nghiệm vũ khí siêu thanh nhận xét: “Thế giới đã thất bại trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Các vũ khí mới ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn”.