- Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã kiểm soát Kherson nhưng Bộ Quốc phòng Ukraine bác bỏ thông tin này
- Lính dù Nga đã đổ bộ vào Kharkiv
- Giao tranh diễn ra ở Kherson, Kharkiv và Mariupol
- Giá dầu thế giới lập đỉnh mới
- Sberbank - ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga - rút khỏi châu Âu
Ukraine bác bỏ thông tin Kherson thất thủ
Sau khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã kiểm soát hoàn toàn Kherson, Bộ Quốc phòng Ukraine bác bỏ thông tin này, CNN đưa tin hôm 2/3.
“Theo thông tin từ lữ đoàn của chúng tôi, các trận chiến vẫn đang tiếp diễn”, người phát ngôn cho Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo. “Thành phố này chưa thất thủ hoàn toàn, một số khu vực vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi”.
Nga tuyên bố kiểm soát Kherson
AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết các sư đoàn lực lượng vũ trang Nga đã hoàn toàn kiểm soát khu vực trung tâm của Kherson”.
Ông Konashenkov khẳng định các dịch vụ công cộng và hệ thống giao thông vẫn hoạt động bình thường, không có tình trạng thiếu hụt thực phẩm và đồ thiết yếu.
Kherson là thành phố mang ý nghĩa chiến lược của Ukraine cùng với Odessa và Mariupol ở miền Nam.
Đây là một trong những điểm giao tranh quyết liệt nhất trong 24 giờ qua.
Thị trưởng Kherson Igor Kolykhayev ngày 2/3 cho biết nhà ga và bến cảng ở thành phố này đã rơi vào tay lực lượng Nga sau cuộc giao tranh suốt đêm, theo AFP.
Hôm 1/3, ông Kolykhayev xác nhận các binh sĩ Nga bao vây Kherson và lập trạm kiểm soát tại các lối vào thành phố.
"Quân đội Nga đang thiết lập trạm kiểm soát tại các lối vào của Kherson", ông nói, đồng kêu gọi người dân không rời khỏi nhà ngoài giờ giới nghiêm.
Kherson có dân số khoảng 280.000 người và nằm ở phía bắc bán đảo Crimea, được Moscow sáp nhập vào năm 2014. Trước đó, Nga từng tuyên bố đã bao vây thành phố hôm 27/2.
Lính dù Nga đổ bộ Kharkiv
Tại Kharkiv, Cơ quan An ninh Ukraine ngày 2/3 cho biết quân đội Nga đã đổ bộ vào thành phố bằng máy bay lúc 3h (giờ địa phương).
Cơ quan này cho biết phía Nga đã tấn công bệnh viện quân y, và đang giao tranh với lực lượng phòng thủ Ukraine.
Tòa thị chính ở quảng trường trung tâm của Kharkiv sau trận pháo kích hôm 1/3. Ảnh: AP. |
Guardian dẫn lời nhà chức trách cho biết vào khoảng 8h ngày 2/3 (giờ địa phương), tên lửa Nga đã bắn trúng một tòa nhà làm việc của cảnh sát và một trường đại học tại Kharkiv.
Tên lửa Nga cũng được cho là bắn trúng một tòa nhà của Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine.
Những bức ảnh do Bộ Khẩn cấp Ukraine đăng tải lên Twitter cho thấy các đội cứu hộ và đội cứu hỏa đang chống chọi lại đám cháy lớn trên nóc tòa nhà lớn tại Kharkiv.
Ít nhất 21 người thiệt mạng và 112 người bị thương do pháo kích tại Kharkiv, thống đốc vùng Oleh Sinehubov cho biết.
Lửa bùng phát tại tòa nhà ở Kharkiv. Ảnh: AFP. |
Kharkiv là thành phố với đa số dân nói tiếng Nga và gần biên giới Nga, có dân số khoảng 1,4 triệu người.
Nơi này trở thành mục tiêu của các lực lượng Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc tấn công Ukraine từ ngày 24/2.
Mariupol - thành phố bên bờ Biển Azov - cũng đang trong vòng vây của lực lượng Nga. Đây vốn là trung tâm công nghiệp nằm phía nam Ukraine, được coi là mục tiêu trọng yếu và là nơi diễn ra các cuộc giao tranh căng thẳng kể từ cuộc tấn công của Nga bắt đầu.
Việc kiểm soát được thành phố này có thể giúp Nga thiết lập một hành lang trên bộ giữa Crimea và đất liền Ukraine.
Cảnh tượng đổ nát tại thị trấn Bucha, gần thủ đô Kyiv, Ukraine, hôm 1/3. Ảnh: AP. |
Tại Borodyanka, cách Kyiv 50 km, các cuộc không kích của Nga khiến hai tòa nhà bị phá hủy, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Emine Dzhaparova.
EU tung đòn trừng phạt mới vào Belarus
Các nhà ngoại giao châu Âu đã chấp thuận thông qua các lệnh trừng phạt mới đối với Belarus vì vai trò hỗ trợ Nga tấn công Ukraine, chủ tịch luân phiên EU thông báo hôm 2/3.
Các lệnh trừng phạt sẽ nhắm vào “một số ngành kinh tế, đặc biệt là ngành gỗ, thép, kali”, Reuters dẫn tuyên bố chủ tịch luân phiên EU.
Ukraine nhận thêm tên lửa chống tăng và drone chiến đấu
Ukraine sẽ nhận thêm tên lửa Stinger và Javelin từ các nước khác, cũng như một lô drone chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov nói trên Facebook hôm 2/3.
“Mức độ trợ giúp mà chúng tôi nhận được đang tăng dần. Số lượng nước cung cấp viện trợ cũng vậy. Kể cả những nước mà chúng tôi tưởng rằng viện trợ là điều bất khả thi cũng gia nhập”, ông nói. “Thêm nhiều Stinger và Javelin sẽ tới”.
Trung Quốc đã sơ tán hơn 2.500 công dân khỏi Ukraine
Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết hơn 2.500 công dân Trung Quốc đã được sơ tán khỏi Ukraine.
Ông Bân đưa ra con số trên trong một buổi họp báo thường kỳ hôm 2/3.
Trước đó, Trung Quốc cho biết nước này có khoảng 6.000 công dân đang sống tại Ukraine.
Liên Hợp Quốc sắp biểu quyết dự thảo xung đột Ukraine
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sắp bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết lên án đòn tấn công của Nga vào Ukraine và yêu cầu Moscow lập tức rút quân.
Dự thảo này cần hơn 2/3 số phiếu của các nước tại Liên Hợp Quốc để được thông qua. Nếu được thông qua, nghị quyết này không mang tính chất ràng buộc nhưng sẽ là lời chỉ trích mạnh mẽ đối với Nga trên trường quốc tế, theo AFP.
Nội dung dự thảo đã trải qua nhiều lượt chỉnh sửa trong những ngày gần đây. Thay vì dùng từ “lên án” như ban đầu, dự thảo lúc này “chỉ trích bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất trước động thái của Liên bang Nga đối với Ukraine”.
Dự thảo cũng thể hiện rõ Liên Hợp Quốc “lên án” việc tổng thống Nga quyết định đặt lực lượng hạt nhân Nga vào trạng thái cảnh giác.
Ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga rút khỏi châu Âu
Sberbank, ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga, sẽ rời khỏi thị trường châu Âu vì chi nhánh của tổ chức tài chính này tại đây gặp tình trạng dòng tiền chảy ra ngoài ở quy mô lớn.
“Trong hoàn cảnh hiện tại, Sberbank quyết định rút khỏi thị trường châu Âu”, AFP trích lời tổ chức tài chính đưa tin hôm 2/3.
Nguyên nhân là lượng tiền chảy ra ngoài ở mức lớn bất thường và rủi ro đối với nhân viên của Sberbank, theo AFP.
Một người bước qua lối vào chi nhánh của Sberbank tại Vienna, Áo vào hôm 28/2. Ảnh: Reuters. |
Cùng ngày, Reuters đưa tin Sberbank thông báo tổ chức này không còn có thể cung cấp khả năng thanh khoản cho các ngân hàng chi nhánh ở châu Âu.
Tuy nhiên, Sberbank cho biết lượng vốn và chất lượng tài sản của mình vẫn đủ để thanh toán cho mọi người gửi tiền.
Sberbank phải rời thị trường châu Âu sau khi gặp phải sức ép lớn, vốn xuất phát từ những lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với các ngân hàng của Nga để phản ứng trước việc Moscow tấn công Ukraine.
Giá dầu thế giới lập đỉnh mới
Giá dầu thô của Mỹ lập đỉnh mới so với năm 2013, giữa lúc xung đột tại Ukraine leo thang và OPEC+ sắp nhóm họp tháng 3.
Trong phiên giao dịch đêm qua (ngày 1/3, theo giờ Mỹ), giá dầu WTI có lúc tăng hơn 5% lên 109,23 USD/thùng - xác lập mức cao nhất kể từ tháng 9/2013.
Giá dầu Brent chuẩn quốc tế nhích khoảng 5,6% lên 110,84 USD/thùng, tức mức đỉnh so với tháng 7/2014.
Diễn biến xảy ra giữa lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden - trong bài phát biểu thông điệp liên bang đầu tiên tại Hạ viện từ khi nhậm chức - đã chính thức thông báo rằng Mỹ và các đồng minh đồng ý tung ra 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ trên khắp thế giới. Trong đó, Mỹ sẽ “dẫn đầu” khi mở 30 triệu thùng từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược riêng.
Mỹ không thảo luận về việc thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine
Theo RT, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc xác nhận với các phóng viên hôm 1/3 rằng Mỹ sẽ không thảo luận về việc thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine.
Trước đó một ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, giúp Kyiv đối phó Moscow.
Nga cấm công dân xuất cảnh với hơn 10.000 USD
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 1/3 đã ký sắc lệnh cấm công dân xuất cảnh với hơn 10.000 USD ngoại tệ, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin lắng nghe Thống đốc St. Petersburg Alexander Beglov trong cuộc họp ở Điện Kremlin, Moscow hôm 1/3. Ảnh: AP. |
Điện Kremlin cho biết sắc lệnh này có hiệu lực từ ngày 2/3, theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS.
Động thái này được đưa ra nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt mà các quốc gia phương Tây đã áp dụng đối với Nga.
Belarus khẳng định không tham gia xung đột Ukraine
Bộ Quốc phòng Ukraine cũng cho biết trong đêm 1/3 rằng họ lo ngại một cuộc tấn công từ Belarus.
"Quân đội Belarus đã được đặt trong tình trạng báo động cao và đang tập trung tại các khu vực gần biên giới với Ukraine", Bộ này cho biết trong một tuyên bố trên Facebook.
Tuy nhiên, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko khẳng định nước này không có kế hoạch tham gia vào hoạt động của Nga tại Ukraine, theo hãng thông tấn nhà nước Belarus Belta ngày 1/3.
Đồng thời, ông cũng bác bỏ cáo buộc của Kyiv rằng quân đội Nga đang tấn công Ukraine từ lãnh thổ của Belarus.
Công ty Nord Stream 2 phá sản
Công ty vận hành dự án Nord Stream 2 - thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom, Nga - thông báo phá sản hôm 1/3 do một loạt lệnh trừng phạt mới của phương Tây.
“Nord Stream đã vỡ nợ do lệnh trừng phạt của Mỹ vào tuần trước”, AFP dẫn lời bà Silvia Thalmann-Gut - đại diện cơ quan kinh tế bang Zug (Thụy Sĩ) - cho biết.
Nord Stream 2 là một trong những sáng kiến địa chiến lược cấp cao nhất của Nga. Nord Stream 2 được xây dựng để dẫn khí đốt tự nhiên của Nga đến Đức dưới biển Baltic, bỏ qua tuyến đường bộ hiện tại đi qua Ukraine.
Dự án này từ lâu đã gây nhiều tranh cãi. Đường ống này được coi là một cách hiệu quả để cung cấp năng lượng cho Liên minh châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu của Moscow.
EC đề xuất dự luật bảo vệ người tị nạn từ Ukraine
Hội đồng châu Âu đề xuất cho người tị nạn từ Ukraine được hưởng các biện pháp bảo vệ tạm thời, bao gồm giấy phép cư trú, được đi làm và hưởng phúc lợi xã hội.
Được xây dựng để ứng phó làn sóng người tị nạn từ Ukraine, dự thảo quy định mới sẽ cho phép những người này hưởng các biện pháp bảo vệ như nhau ở mọi nước thành viên EU.
Dự thảo này sẽ được bộ trưởng Nội vụ các nước EU trao đổi vào ngày 3/3.