13 thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an đều bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết do Mỹ soạn thảo, trong đó có đề xuất cấm xuất khẩu thuốc lá và dầu sang Triều Tiên. Đề xuất cũng đã đưa nhóm Lazarus Group - tổ chức Mỹ cho rằng có liên quan đến Triều Tiên - vào danh sách đen, theo Reuters.
Trong 16 năm qua, Hội đồng Bảo an đã nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm cắt nguồn tài trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Lần cuối cùng họ thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên là vào năm 2017.
Kể từ đó, Trung Quốc và Nga đã thúc đẩy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt với lý do nhân đạo. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu hôm 26/5 là lần đầu tiên họ công khai phá vỡ sự nhất trí về việc tăng cường trừng phạt.
Một người đàn ông đi ngang qua bản tin về việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo hôm 25/5. Ảnh: Reuters. |
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield mô tả cuộc bỏ phiếu là một "ngày đáng thất vọng" đối với Hội đồng Bảo an.
"Thế giới hiện phải đối mặt với mối nguy hiểm rõ ràng từ Triều Tiên", bà phát biểu trước hội đồng. Bà cho biết Washington đánh giá rằng Triều Tiên đã thực hiện 6 vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong năm nay và đang "tích cực chuẩn bị một vụ thử vũ khí hạt nhân".
"Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên là một con đường dẫn đến ngõ cụt", Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia nói trước hội đồng.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân cho biết các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên sẽ không giúp ích được gì và chỉ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực, cũng như khiến tình trạng đối đầu leo thang.
Cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an diễn ra một ngày sau khi Triều Tiên phóng ba tên lửa, trong đó có một tên lửa bị nghi là ICBM, sau chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đây là lần mới nhất trong một loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo trong năm nay, vốn bị cấm bởi Hội đồng Bảo an.