Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nga, Trung phát triển vũ khí siêu thanh đối phó Mỹ

Các nhà phân tích nhận định, Nga và Trung Quốc đang dựa vào việc phát triển vũ khí siêu thanh như công cụ đắc lực để đối phó với chiến lược mới của Mỹ ở châu Á.

Ảnh đồ họa phương tiện bay siêu thanh HTV-2 của Mỹ. Ảnh: DARPA

Trung Quốc và Nga đang đẩy nhanh tốc độ phát triển các chương trình phương tiện bay siêu thanh tiên tiến để chống lại kế hoạch Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc. Điều này giúp phát triển lực lượng quân sự gọn nhẹ và khó đối phó hơn.

Ngày 22/4, Bắc Kinh đã tiến hành vụ thử nghiệm lần thứ 7 với tên lửa siêu thanh DF-ZF. Nguồn tin trong Lầu Năm Góc cho biết, vụ phóng diễn ra tại trung tâm thử nghiệm Wuzhai ở tỉnh Sơn Tây. Ba ngày trước đó, quân đội Nga đã tiến hành vụ thử nghiệm thứ hai với tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon.

Cuộc chạy đua vũ trang mới

“Các thử nghiệm vũ khí siêu thanh của Nga và Trung Quốc nhằm đe dọa kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc”, giáo sư He Qisong, chuyên gia về chính sách quốc phòng tại đại học ở Thượng Hải, nói với South China Morning Post.

Ông đề cập đến hệ thống đánh chặn THAAD mà Washington nói là cần thiết để bảo vệ các đồng minh khỏi mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên. Song Bắc Kinh nhìn nhận việc triển khai trên như mối đe dọa quân sự đối với họ.

Chay dua vu trang My,  Nga,  Trung anh 1
Đồ họa phương tiện bay siêu thanh DF-ZF của Trung Quốc: Ảnh: Nhân dân nhật báo

Bắc Kinh và Moscow cũng lo ngại về sự thay đổi của Washington đối với “Chiến lược bù đắp thứ 3”, cách gọi Sáng kiến Quốc phòng của Lầu Năm Góc nhằm phát triển các công nghệ quốc phòng tiên tiến như robot và các phương tiện chiến đấu không người lái tự động.

Chiến lược mới nhằm đảm bảo ưu thế quân sự của Mỹ trong bối cảnh khoảng cách công nghệ so với Nga và Trung Quốc ngày càng thu hẹp.

Các lĩnh vực chính mà Lầu Năm Góc sẽ tập trung ngân sách theo chiến lược mới gồm: Chống tiếp cận/Chống xâm nhập (2A/2D), đạn dẫn hướng thế hệ mới, chiến tranh dưới nước, chiến tranh điện tử và không gian mạng, khái niệm điều hành mới.

Mỹ hy vọng chiến lược mới đem lại nhiều hướng vô hiệu hóa mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga. Quân đội hai nước này đang phát triển ngày càng tinh vi nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào vũ khí thông thường.

“Chiến lược bù đắp thứ 3 của Mỹ và các thử nghiệm vũ khí siêu thanh của Nga và Trung Quốc báo hiệu rằng, 3 nước đang khởi động một cuộc chạy đua vũ trang mới”, giáo sư He nói.

Trong Sách trắng Quốc phòng năm 2015, Bắc Kinh từng tuyên bố, không tham gia chạy đua vũ trang. Song, vụ thử nghiệm phương tiện bay siêu thanh và tên lửa liên lục địa mới dường như mâu thuẫn với tuyên bố trên.

Tuần trước, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 tầm bắn 12.000 km.

Mũi giáo và tấm khiên

Li Jie, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, nhận xét Trung Quốc muốn sử dụng tên lửa siêu thanh DF-ZF để cảnh báo Mỹ rằng, quân đội Trung Quốc có vũ khí mạnh mẽ có khả năng vượt qua lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ.

Ông Li phát biểu ngang ngược rằng: “Trung Quốc không có lựa chọn nào khác, đặc biệt, Mỹ đã thực hiện một loạt hành động khiêu khích nhằm vào tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước châu Á ở Biển Đông và biển Hoa Đông”.

Chay dua vu trang My,  Nga,  Trung anh 2
Cuộc đua giữa tiến công và phòng thủ đang diễn ra rất gay cấn. Ảnh: Freebecon/US Army

Theo các quan chức Lầu Năm Góc, tên lửa siêu thanh DF-ZF có tốc độ tới 11.300 km/h, ở tốc độ này, việc đánh chặn dường như là “nhiệm vụ bất khả thi”. Tên lửa siêu thanh được các nhà phân tích quân sự ví von là “mũi giáo” để xuyên thủng “tấm khiên” phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Trong khi đó, THAAD được xem là hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất thế giới. Trong các thử nghiệm, THAAD tiêu diệt mục tiêu với tỷ lệ tới 100%.

Các chuyên gia quân sự Mỹ nhận xét, THAAD là “tấm khiên” bảo vệ nước Mỹ và các đồng minh trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo. THAAD có thể đánh chặn mục tiêu trong phạm vi từ 150-200 km.

Lầu Năm Góc đang theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của DF-ZF kể từ khi tên lửa được thử nghiệm lần đầu trong tháng 1/2014.

Chương trình này đang tiến triển nhanh chóng và có thể sẵn sàng triển khai vào năm 2020, theo báo cáo mới nhất của Ủy ban An ninh Kinh tế Mỹ - Trung. Ngoài ra, một phiên bản tiên tiến hơn cũng đang được phát triển và dự kiến triển khai vào năm 2025, báo cáo cho biết.

Trong khi đó, chương trình tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon của Nga dự kiến sẽ đi vào sản xuất đại trà trong năm 2018, theo nguồn tin của tạp chí National Interest. Tên lửa Zircon có tầm bắn khoảng 400 km, tốc độ khoảng Mach 5 (6.123 km/h).

Quân đội Nga sẽ triển khai Zircon trên tuần dương hạm hạt nhân lớp Kirov trong kế hoạch tái trang bị chiến hạm lớn nhất thế giới. Ngoài ra, một phiên bản phóng từ tàu ngầm cũng được dự kiến lắp trên tàu ngầm tấn công hạt nhân thế hệ mới.

Vũ khí siêu thanh là các phương tiện bay có tốc độ trên Mach 5 (khoảng 6.123 km/h). Chỉ số Mach là căn cứ để phân loại vũ khí siêu thanh hoặc siêu âm.

Thông thường, người ta sử dụng tên lửa đẩy để đưa đầu đạn ra bên ngoài bầu khí quyển, sau đó, đầu đạn sẽ tách khỏi tên lửa và lao xuống đất với tốc độ hàng chục nghìn km mỗi giờ. Các chương trình phương tiện bay siêu thanh điển hình là HTV-2 của Mỹ, hay DF-ZF và WU-14 của Trung Quốc.

Ngoài ra, một số quốc gia phát triển tên lửa siêu thanh phóng từ máy bay như X-51 của Mỹ hay 3M22 Zircon phóng từ tàu chiến của Nga.

Thế giới đối mặt nguy cơ Chiến tranh Lạnh mới

Mỹ, Nga và Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển các vũ khí mang đầu đạn hạt nhân thế hệ mới khiến thế giới đối mặt với nguy cơ xảy ra Chiến tranh Lạnh.

Trung Quốc phản đối Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc

Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc, ông Khâu Quốc Hồng, cảnh báo việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Bắc Kinh và Seoul.

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm