Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung - Nhật hối hả rót tiền chạy đua vũ trang

Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản cho thấy Tokyo đang chi tiêu mạnh tay cho quốc phòng, trong khi ngân sách quân sự của Trung Quốc chỉ xếp sau Mỹ.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo sách trắng quốc phòng công bố đầu tháng 8, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ chi 49 tỷ USD cho quốc phòng trong năm tài khóa 2015, tăng 3% so với ngân sách trong năm 2014. Nhật Bản đang theo đuổi các hợp đồng mua bán vũ khí đình đám trong 4 năm tới nhằm tăng cường khả năng quân sự, bao gồm mua máy bay trực thăng, phi cơ tuần tra săn ngầm hay phản lực chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ chế tạo, CNN hôm qua đưa tin.

Ngoài ra, Tokyo cũng tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và trở thành khách hàng lớn của quốc gia này. Nhật Bản cũng tăng cường đóng mới các loại tàu ngầm, tàu chiến và máy bay chiến đấu các biến thể. Chính quyền của Thủ tướng Abe đang hiện thực hóa quyền phòng vệ tập thể mà quốc hội thông qua gần đây.

'Nhật khó đứng vững nếu giao chiến với Trung Quốc'

Một tạp chí của Nhật Bản cho rằng Tokyo sẽ không thể tự bảo vệ họ trước những đợt tấn công của Trung Quốc nếu chiến sự giữa hai nước nổ ra.

Trong khi đó, Trung Quốc chi khoảng 200 tỷ USD cho quốc phòng trong năm tài khóa 2014, xếp thứ hai sau Mỹ. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Nga, với các hợp đồng mua máy bay, tàu chiến và tàu ngầm. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đang chú trọng phát triển các dự án vũ khí tự sản xuất nhằm hạn chế nhập khẩu.

Cuối năm 2012, Bắc Kinh tạo tiếng vang lớn khi ra mắt tàu sân bay đầu tiên nhờ nâng cấp và hoàn thiện hàng không mẫu hạm mua từ Ukraina. Các nhà phân tích dự đoán, Bắc Kinh sẽ ra mắt tàu sân bay thứ hai trong những năm cuối thập niên này. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang phát triển các loại máy bay tàng hình và dự kiến sẽ đưa vào biên chế trong năm 2018.

Tàu khu trục trực thăng JS Hyuga (DDH 181) của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Hiện tại, Trung Quốc sở hữu kho máy bay chiến đấu phong phú và đa dạng hơn Nhật Bản. Trong biên chế không quân, Trung Quốc có các phản lực chiến đấu Su-27 và Su-30 do Nga sản xuất, cùng những chiếc J-10, J-11 và J-16 do Bắc Kinh tự phát triển. Trung Quốc cũng đang phát triển phi cơ tàng hình J-20 và đàm phán mua Su-35 của Nga.

Trong khi đó, Nhật Bản có khoảng 260 máy bay, gồm 200 chiếc F-15 do Mỹ chế tạo. Đây là loại máy bay chủ lực của không quân. Ngoài ra, Tokyo còn có các loại máy bay tuần tra, săn ngầm, cảnh báo sớm, tác chiến điện tử và tiếp nhiên liệu trên không. Tokyo đang đàm phán hợp đồng mua máy bay tàng hình F-35 của Mỹ.

Mỹ sẵn sàng cho chiến tranh Trung – Nhật?

Một chuyên gia quốc phòng Mỹ đặt ra giả thuyết chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản nổ ra để phân tích sự sẵn sàng của Mỹ cho cuộc xung đột này.

Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc nhiều lần đưa máy bay chiến đấu, tuần tra vào khu vực tranh chấp phía trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Tokyo coi đây là những hành động nguy hiểm, có thể gây "những hậu quả ngoài ý muốn". Nhật Bản cũng cáo buộc Trung Quốc tăng cường "mạnh mẽ" về quân sự và yêu cầu Bắc Kinh nói rõ lý do.

Đáp lại phản ứng trên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Nhật Bản và gọi đó là cái cớ để Tokyo tăng cường quân sự. Trước đó, Bắc Kinh cũng nhiều lần đưa ra bằng chứng cho thấy máy bay chiến đấu Nhật Bản áp sát phi cơ nước này trong không phận phía trên vùng biển tranh chấp.

Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên vùng biển Hoa Đông. Tranh chấp khiến mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu châu Á trở nên căng thẳng suốt những năm gần đây.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm