Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong một cuộc họp báo. Ảnh: Reuters |
Sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc máy bay chiến đấu SU-24 của Nga, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố: “Hậu quả trực tiếp là chúng tôi có thể sẽ từ chối tham gia vào hàng loạt dự án chung quan trọng và các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đánh mất thị phần ở Nga”. Đến nay Moscow đã kêu gọi khách du lịch Nga tẩy chay Thổ Nhĩ Kỳ, hủy chế độ miễn thị thực cho công dân Thổ, thắt chặt kiểm soát thực phẩm nhập khẩu từ Thổ…
Nga cũng ngừng nhập khẩu thịt gà từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu năng lượng từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ mới thực sự là yếu tố quan trọng nhất trong quan hệ thương mại song phương. Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng mua khí đốt lớn thứ hai của Nga sau Đức. Mỗi năm, tập đoàn Nga Gazprom cung cấp 27 tỷ m3 khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, tương đương 70% nhu cầu khí đốt nước này.
Reuters dẫn lời nhà phân tích Mikhail Krutikhin thuộc hãng tư vấn RusEnergy nhận định: “Dừng dòng khí đốt sẽ là quyết định cực khó, bởi thị trường xuất khẩu của Nga không mở rộng mà đang bị thu hẹp”. “Việc đánh mất một thị trường lớn như Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là cực kỳ nhạy cảm đối với cả ngân sách chính phủ Nga và tập đoàn Gazprom”, ông Krutikhin nhấn mạnh.
Trừng phạt dẫn tới tác dụng ngược
Với tình trạng nhu cầu khí đốt toàn cầu đang giảm, Moscow sẽ khó tìm ra khách hàng thay thế Ankara. Đòn trừng phạt này cũng sẽ là mối đe dọa đối với uy tín của Nga. Các khách hàng khí đốt trung thành của Moscow sẽ nghĩ rằng nguồn cung từ Nga hoàn toàn phụ thuộc vào các toan tính chính trị của Điện Kremlin. Nếu Nga dừng dòng khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ, chắc chắn về lâu dài Ankara và các khách hàng khác sẽ nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.
Và đây sẽ là thiệt hại nặng nề đối với Nga, bởi năng lượng chính là nguồn sống của Nga. Một biện pháp mang tính hình thức hơn mà Điện Kremlin có thể thực hiện là hoãn hoạt động chuẩn bị dự án xây dựng hệ thống đường ống TurkStream vận chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ đến nam Âu. Cách đó không có tác động lớn do dự án này mất rất nhiều năm nữa mới hoàn thành.
Nhìn vào cán cân thương mại, có thể thấy Nga sẽ thiệt hại lớn hơn Thổ Nhĩ Kỳ nếu chiến tranh thương mại thực sự nổ ra. Năm 2014, Nga xuất khẩu 25 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ sang Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu là khí đốt, kim loại và nông sản. Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga không lớn, chỉ vào khoảng 7 tỷ USD. Nhưng Nga mua từ Thổ Nhĩ Kỳ nhiều sản phẩm rất cần thiết đối với nền kinh tế nước này như máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng, hàng may mặc, thực phẩm…
Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 27 tỷ m3 khí đốt, 55% tổng nhu cầu khí đốt của nước này mỗi năm, từ Nga. Ảnh: AP |
Nga cần tính toán thiệt hơn kỹ càng trước bất kỳ hành động nào để trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi năm 2014, khi phương Tây cấm vận kinh tế Nga vì sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine, Điện Kremlin trả đũa bằng chiêu tẩy chay thực phẩm phương Tây. Hậu quả tức thời là giá thực phẩm tại Nga tăng vọt, ví dụ như thịt tăng 26%, cá 40%, gà 60%... Chỉ có người tiêu dùng Nga là lãnh đủ với tình trạng lạm phát leo thang.
Do đó, trong khi các chính trị gia Nga đưa ra những tuyên bố dữ dội thì các nhà quản trị kinh tế lại kêu gọi sự bình tĩnh. Mới đây, ông Andrei Kostin, người đứng đầu ngân hàng Nga VTB, khẳng định cần phải tách riêng lĩnh vực chính trị và kinh tế. “Tôi nghĩ không nên đẩy tình hình lên quá nóng. Chúng ta phải giữ bình tĩnh” - ông Kostin kêu gọi.
Tổn thất 30 tỷ USD
Trên trang Russia-Direct, giáo sư quan hệ quốc tế Stanislav Tkachenko thuộc Đại học St. Petersburg cho biết Nga đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 10 tỷ USD, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đầu tư vào Nga con số tương tự, tạo hàng chục nghìn công ăn việc làm và hàng trăm triệu ruble tiền thuế cho Moscow. “Bất kỳ động thái nào gây thiệt hại kinh tế cho Ankara cũng sẽ bị trả đũa tương xứng” - giáo sư Tkachenko cảnh báo.
Một cuộc chiến tranh thương mại sẽ gây thiệt hại nặng cho cả đôi bên. Giáo sư Tkachenko ước tính nếu cắt đứt quan hệ thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ, nền kinh tế Nga có thể tổn thất tới 30 tỷ USD, và một số ngành trọng yếu của Nga như năng lượng và máy móc sẽ chao đảo. Tương tự, chiến lược gia Timothy Ash của tập đoàn tài chính Nomura nhận định Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cứng rắn không kém Tổng thống Nga Vladimir Putin, và Ankara sẽ phản đòn bất kỳ động thái trừng phạt nào của Matxcơva.
Vấn đề quan trọng nhất là ở thời điểm này, sức khỏe kinh tế của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang giảm sút nghiêm trọng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính tăng trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ đạt 3,1% năm nay và 3,6% năm 2016, thua xa mức 9% của năm 2010 và 2011. Trong năm nay đồng lira sụt giá 20% so với đồng USD, khiến Ankara gặp khó khăn hơn trong việc trả món nợ nước ngoài 125 tỷ USD. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ lao đao vì hứng chịu các đòn trừng phạt của Nga. Nhưng Nga gặp nhiều khó khăn không kém.
Do cấm vận phương Tây và giá dầu suy giảm, GDP Nga sẽ sụt 3,8% trong năm nay và 0,6% vào năm 2016, theo dự báo của IMF. Hậu quả là sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc đang trở nên lớn hơn một cách đáng lo ngại. Sau một năm suy thoái, tăng trưởng kinh tế Nga khi đối mặt với những rắc rối mới từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ càng suy yếu thêm. Ở thời điểm này, Nga cần thêm bạn bè, đối tác thương mại chứ không phải là kẻ thù.