Chiến đấu cơ Su-24 của Nga và những loại vũ khí nó có thể mang theo. Ảnh: RT |
Ngày 24/11, chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi khi thực hiện nhiệm vụ không kích các lực lượng chống đối ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Ankara khẳng định máy bay Nga xâm phạm không phận trong khi Moscow tuyên bố phi cơ hoạt động trong vùng trời Syria.
'Vũ khí' năng lượng
Mới chỉ một năm trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin bay tới Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược. Tuy nhiên, khi Thổ Nhĩ Kỳ nã tên lửa vào chiến đấu cơ Nga đang dội bom lực lượng đối lập ở Syria, ông Putin đưa ra một thông điệp khác tới Ankara. Ông chủ Điện Kremlin khẳng định sẽ có những “hậu quả đáng kể” sau vụ bắn rơi Su-24.
Dù không phải đối tác chiến lược nhưng hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu khoảng 60% nhu cầu khí tự nhiên từ Nga. Bất đồng với Liên minh châu Âu (EU) trong vấn đề Ukraine không khiến Nga bỏ rơi thị trường châu Âu, nơi nhu cầu sử dụng khí tự nhiên đang ngày càng gia tăng.
Cuối tháng 12 năm ngoái, dự án đường ống khí đốt trị giá 40 tỷ USD của chính quyền Putin bị sụp đổ. Moscow sẽ không dễ dàng từ bỏ một dự án khác trị giá 12 tỷ USD qua Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ trước khi tới châu Âu.
Dù mâu thuẫn với Nga khi Moscow ném bom lực lượng đối lập ở Syria, Ankara không có lựa chọn khác ngoài việc tiếp tục làm ăn với Moscow. Nhu cầu khí tự nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng tăng lên và Nga là đối tác có thể đảm bảo nguồn cung, ít nhất là trong giai đoạn hiện tại và tương lai gần. Ngoài ra, Nga đang giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá 20 tỷ USD, chìa khóa để giải quyết nhu cầu về điện ngày càng tăng của Ankara.
Phát biểu hôm 24/11, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak khẳng định mối quan hệ năng lượng giữa Moscow và Ankara sẽ không bị đe dọa.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) đón tiếp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Phủ tổng thống ở Ankara ngày 1/12/2014. Ảnh: Văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ |
Tuy nhiên, vụ bắn rơi chiến đấu cơ Nga gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Tổng thống Putin. Trong tuyên bố đầu tiên sau vụ việc, ông chủ Điện Kremlin cho rằng Nga “bị đâm sau lưng bởi những kẻ đồng lõa với khủng bố”.
Ngay sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hủy bỏ chuyến công du tới Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi du khách Nga không du lịch tới quốc gia này. Các công ty du lịch quốc doanh Nga cũng đã ngừng bán tour tới khu vực. Nhiều nhà lập pháp Nga đề nghị cấm tất cả các chuyến bay giữa hai nước.
Trong cuộc họp báo tại khu nghỉ mát Sochi với Quốc vương Jordan, Tổng thống Putin khẳng định: “Từ lâu, chúng tôi đã phát hiện việc vận chuyển số lượng lớn các sản phẩm xăng dầu tới Thổ Nhĩ Kỳ từ khu vực IS kiểm soát. Điều này giải thích vì sao tổ chức khủng bố khét tiếng có nguồn tài trợ lớn đến vậy. Họ đâm sau lưng chúng tôi bằng cách bắn máy bay đang không kích chống khủng bố”.
Các nguồn tin cho biết, IS kiếm được 250.000 USD tới 1,5 triệu USD một ngày nhờ bán dầu và các chế phẩm từ dầu như xăng và dầu diesel. Đây là lý do Nga và Mỹ thường không kích các nhà máy lọc dầu và các mỏ dầu trong vùng IS kiểm soát, nhằm cắt đứt nguồn cung tài chính cho IS.
Cáo buộc của Tổng thống Putin có thể gây phức tạp thêm cho dự án đường ống dẫn dầu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ để tới châu Âu. Nếu Su-24 không bị bắn hạ, Ngoại trưởng Nga Lavrov sẽ công du Ankara trong tuần này nhằm giải quyết các khúc mắc xung quanh kế hoạch xây dựng đường ống.
Người Kurd
Ngoài ra, theo Foreign Policy, nếu thực sự muốn trả thù, Moscow có cách để khiến Ankara phải đau đầu. Nga có thể bơm tiền cho lực lượng chiến binh người Kurd, vốn từ lâu đã là cái gai trong mắt chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Lực lượng chiến binh người Kurd đang tham gia chống IS ở Iraq và Syria. Ảnh: Getty |
Trong gần 2 thế kỷ, Nga duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các nhóm chiến binh này. Thời Liên bang Xô viết, Moscow có mối liên kết với đảng Lao động người Kurd, hay còn gọi là PKK.
Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu và Mỹ liệt PKK vào một nhóm khủng bố. Đảng của Tổng thống Erdogan dùng mối nguy từ PKK để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tháng 11 dù bất ngờ thất bại trước đó.
Tổng thống Putin đã công khai liên minh với nhóm người Kurd trong cuộc chiến chống IS. Việc chống lưng PKK và các lực lượng vệ tinh là cách dễ dàng nhất mà Moscow có thể dùng để trả đũa Ankara, Giáo sư Michael Reynolds, chuyên gia nghiên cứu vùng Cận Đông của Đại học Princeton khẳng định.
Tuy nhiên, động thái như vậy của Nga chắc chắn sẽ gây ra những nguy hiểm thực sự, đẩy xung đột tới mức khó kiểm soát. Phát biểu sau khi nhận tin báo về vụ bắn rơi Su-24, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng “ưu tiên hàng đầu” của ông là đảm bảo tình hình khu vực không leo thang.