Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'17 giây xâm phạm' và cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết

Cho đến giờ, việc có hay không “17 giây xâm phạm” không phận Thổ Nhĩ Kỳ của máy bay Su-24 vẫn là dấu hỏi lớn khi hai bên đang đưa ra những phiên bản khác nhau của tình huống này.

Khu vực máy bay Nga bị bắn rơi ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Đồ họa: NYtimes

Điều chắc chắn nhất mọi người biết là vụ việc đang đẩy tới nguy cơ căng thẳng cao nhất giữa Nga với NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc giải cứu với máy bay trực thăng Nga bị bắn hạ và việc Nga tức tốc triển khai S-400 sau đó được nhiều người ví như phim James Bond của hiện thực.

Hatay và Hội Quốc Liên

Vụ việc phức tạp hơn bởi Thổ Nhĩ Kỳ và Syria từ lâu đã có tranh cãi về biên giới chính ở nơi Su-24 của Nga bị bắn hạ. Đây là vùng đất có phức tạp về lịch sử. Đó là dải đất hẹp ở Thổ Nhĩ Kỳ, tỉnh Hatay, chạy dọc theo khu vực Địa Trung Hải với một mỏm đất chạy sâu vào phía trong lãnh thổ của Syria.

Sau Thế chiến I, Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc) đã trao tỉnh Hatay cho Pháp (khi đó vẫn đang kiểm soát Syria). Vùng đất vốn là nơi sinh sống của các nhóm người Thổ và Arab từ lâu.

Nhóm người Thổ ở tỉnh này sau đó kháng chiến thành công để tách tỉnh ra khỏi Syria và tuyên bố độc lập năm 1938 rồi sáp nhập vào với Thổ Nhĩ Kỳ một năm sau đó.

Người Syria đã luôn chất vấn về câu chuyện mất tỉnh Satay vào tay Thổ Nhĩ Kỳ và nếu nhìn trên các bản đồ của Syria, nhiều phiên bản vẫn còn ghi vùng đất là của nước này.

Nhưng khi Hatay trở về với Thổ, rất nhiều người gốc Thổ khác vẫn còn sống ở bên phía lãnh thổ của Syria. Và trong nhiều thập kỷ, việc qua lại thăm viếng người thân giữa hai vùng này cực kỳ khó khăn do quan hệ căng thẳng giữa hai bên.

Việc Nga nhiều lần tỏ ý thông cảm với Syria về vùng Satay là yếu tố khác khiến Ankara khó chịu.

Về phía Ankara, họ có nhiều lý do để khó chịu với Moscow trong nhiều tháng qua.

Ankara từ lâu ủng hộ các nhóm phiến quân gốc Thổ với mục tiêu lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Và khi Assad đã lung lay sắp đổ, việc Nga đưa quân vào không chiến ở Syria thế trận này đột ngột đảo ngược. Thay vì có hy vọng quyết định toàn bộ tình hình Syria, Ankara giờ chỉ mong sẽ có một chỗ trong bàn đàm phán về tình hình nước láng giềng.

Ngoài chuyện Assad, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip​ Erdogan còn nhấn mạnh yếu tố sắc tộc khi những người gốc Thổ ở khu vực ráp biên giới liên tục bị không quân Nga không kích.

“Chúng tôi lên án mạnh mẽ các vụ tấn công nhắm vào khu vực có những người gốc Thổ Bayirbucak sinh sống – chúng tôi có người thân và con em mình ở đó,” ông Erdogan tuyên bố hôm 24/11.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu thì nói: “Không ai có thể hợp thức hóa việc tấn công người Thổ ở Syria với lý do là để đánh nhau với lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS).”

Những hành động bất thường

Máy bay Nga bốc cháy sau khi trúng tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty

Việc ném bom các ngôi làng Thổ Nhĩ Kỳ đúng ra sẽ là chủ đề chính của cuộc hội đàm giữa Thổ với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 25/11 nhưng vì vụ bắn hạ Su-24 đã khiến cuộc hội đàm bị hủy bỏ.

Các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ việc cũng khiến nhiều người đặt dấu hỏi.

Hành động đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bắn hạ máy bay Nga là liên lạc các đồng minh NATO của mình thay vì liên lạc Matxcơva – phép đảm bảo dựa trên điều 5 của Hiến chương NATO về phòng vệ tập thể.

Và khi đó, theo báo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ nói họ thông báo cho máy bay Nga không phải là 10 lần mà chỉ có hai lần và các liên lạc này “khá không rõ ràng.”

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã cam kết sẽ không gây chiến vì vụ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga ở vùng biên giới giữa Thổ và Syria.

Nhưng sự vụ cho đến lúc này vẫn khiến các thành viên còn lại của NATO tự hỏi vì sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết định có một hành động liều lĩnh đến vậy.

Phía Nga có lý do nghi ngờ nữa là việc có ít nhất 4 phiên bản camera ghi lại vụ bắn hạ máy bay như thể Ankara đã chuẩn bị rất kỹ cho vụ bắn hạ máy bay này.

Phía Nga chịu tổn thất nặng nề từ vụ việc với việc hai lính hy sinh – một phi công Su-24 và một lính thủy đánh bộ thiệt mạng khi trực thăng đi tìm kiếm phi công Su-24.

Việc phi công Nga bị lực lượng phiến quân Syria bắn hạ khi nhảy dù cũng khiến giới quan sát cho rằng khả năng máy bay vẫn ở trong lãnh thổ Syria là cao.

Trong công hàm khẩn gửi tới Liên Hiệp Quốc ngày 24/11, phía Thổ Nhĩ Kỳ nói đã cảnh báo hai máy bay Nga 10 lần trước khi chiến đấu cơ F-16 của họ bắn tên lửa hạ Su-24 của Nga.

17 giây

Phía Thổ nói máy bay Nga đã xâm phạm không phận của họ “17 giây”. Phía Nga thì bác bỏ thông tin này với bộ Quốc phòng tuyên bố máy bay bị bắn khi cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 1 km và rơi xuống cách biên giới hai bên khoảng 4 km.

Phía Nga nói kể cả trong tình huống giả thuyết phía Thổ đúng, họ nhắc lại tình huống năm 2012 khi máy bay F-3 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ khi đi vào lãnh thổ của Syria.

Tổng thống Erdogan khi đó giận dữ tuyên bố trên BBC rằng “việc xâm phạm biên giới trong tích tắc không thể là cớ để tấn công được.”

Bản thân máy bay Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhiều lần xâm phạm không phận các nước trong khu vực như từng xâm phạm không phận Hy Lạp tới 1.017 lần trong năm 2005.

Dù chuyện xâm phạm không phận chớp nhoáng thực tế diễn ra khá phổ biến và thường được các nước bỏ qua, Thổ Nhĩ Kỳ là nước thường xuyên triệu hồi đại sứ Nga lên để phản đối chuyện xâm phạm không phận và việc Nga ném bom ở Syria ở vùng giáp ranh biên giới.

“Bản thân tôi đã đoán sẽ có sự vụ như này vì trong vài tháng qua đã có quá nhiều vụ tương tự,” Thứ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir tuyên bố với báo giới. “Nguyên tắc hành xử chúng tôi rất rõ ràng, bất cứ quốc gia có chủ quyền nào cũng có quyền bảo vệ không phận của mình.”

Từ Ukraine, Crimea cho đến Syria, ông Putin đã nhiều lần gây bất ngờ phương Tây về các bước đi của mình. Ở biên giới Syria-Thổ, ông Erdogan lại có những bất ngờ khác dành cho Putin.

Dù nguy cơ chiến tranh là nhỏ, nguy cơ của các sự cố và khủng hoảng chưa phải đã chấm dứt. Cả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Putin đều là những bậc thầy trong sử dụng chủ nghĩa dân tộc để khuấy động dư luận.

Và ông Putin sẽ không thích ai gây hấn khiến mình mất mặt như lần này.

Su-24 Nga bị bắn rơi trên không phận Syria Hãng thông tấn RT của Nga cho biết, một máy bay chiến đấu Su-24 của nước này vừa bị bắn rơi khi đang làm nhiệm vụ dội bom IS trên không phận Syria.

Thanh Tuấn

Bạn có thể quan tâm