“Một giai đoạn mới của chiến dịch này đang bắt đầu”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố hôm 19/4.
Lực lượng vũ trang Ukraine cũng xác nhận giao tranh diễn ra dữ dội hơn khắp miền Đông, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Nga đã bắt đầu đợt tiến công được lường trước ở Donbas.
“Lực lượng Nga đã tăng cường công kích dọc khắp chiến tuyến”, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine viết trong báo cáo được công bố vào sớm 19/4.
“Bất kể bao nhiêu binh sĩ Nga được đưa tới Donbas, chúng tôi sẽ chiến đấu. Chúng tôi sẽ bảo vệ chính mình”, ông Zelensky nói hôm 18/4.
Giai đoạn mới
Mở màn cho giai đoạn hai của giao tranh Ukraine là các diễn biến quen thuộc. Nga đồng loạt không kích vào các mục tiêu quân sự của Ukraine, trong khi kêu gọi đầu hàng, tương tự thời điểm Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào ngày 24/2.
Nhưng phương thức Nga thực hiện hai giai đoạn cho thấy sự thay đổi trong chiến thuật. Hồi tháng 2, Nga thường thực hiện các đợt tiến công nhanh gọn bằng xe tăng và trực thăng đánh sâu vào Ukraine.
Sau khi không đạt được mục tiêu ở Kyiv bằng các chiến thuật trên, Nga chuyển sang cách tiến công tuần tự hơn, New York Times dẫn lời quan chức Mỹ và Ukraine.
Thay vì tấn công chớp nhoáng, lực lượng của Nga đẩy mạnh pháo kích rồi sau đó đưa nhóm lính nhỏ để thăm dò phòng tuyến của Ukraine. Đây thường là dấu hiệu báo trước những đợt tấn công lớn hơn.
Lầu Năm Góc ước tính Nga đã điều động thêm 11 nhóm tác chiến tiểu đoàn (BTG) vào Ukraine với quân số khoảng 8.000-11.000 lính. Hàng chục nghìn binh sĩ dự bị của Nga đang ở miền Bắc Ukraine để chuẩn bị tham chiến.
BTG là nhóm tác chiến hoạt động độc lập, phối hợp các vũ khí, chẳng hạn như phòng không, thiết giáp, phương tiện chiến thuật, pháo binh, trực thăng, hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần.
Cùng ngày 19/4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết “tên lửa bắn từ trên không với độ chính xác cao” đã đánh trúng 13 vị trí của đối phương ở vùng Donbas, đồng thời các đòn không kích khác đã giáng vào 60 cơ sở quân sự, bao gồm ở những thị trấn gần tiền tuyến miền Đông.
Bên cạnh Donbas, các đòn không kích của Nga cũng giáng vào các mục tiêu ở tỉnh Mykolaiv thuộc miền Nam, theo Bộ Quốc phòng Nga. Tỉnh này là một cứ điểm then chốt trên đường tới thành phố cảng Odessa.
Ở chiều ngược lại, Ukraine khẳng định trong 24 tiếng qua đã đẩy lùi 7 đợt tiến quân của Nga, phá hủy 10 xe tăng và 18 xe thiết giáp.
Nga tiếp tục tiến công để kiểm soát thành phố Mariupol. Trả lời phỏng vấn CNN hôm 19/4, ông Pavlo Kyrylenko, phụ trách quân khu vùng Donetsk của Ukraine, cho biết Mariupol chưa thất thủ.
“Cờ Ukraine vẫn bay trên thành phố”, ông Kyrylenko nói. “Tôi không thể nói là phía Nga đang kiểm soát thành phố. Giao tranh đường phố đang diễn ra dữ dội”.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng Ukraine còn sót lại vẫn co cụm trong nhà máy thép Azovstal. Cơ quan này một lần nữa ra tối hậu thư và cho phép đối phương có thể ra hàng.
Nhưng Eduard Basurin, chỉ huy lực lượng ly khai thân Nga tại Donetsk, cho biết “nhóm tấn công” của họ đã đánh vào nhà máy này, theo TASS.
“Chúng tôi nhận được hỗ trợ từ không quân và pháo binh Nga”, ông Basurin nói. “Lực lượng phòng thủ sẽ sớm phải đầu hàng”.
Nếu Mariupol thất thủ, Nga có thể thiết lập nối liền lãnh thổ nước này và bán đảo Crimea, cũng như tái điều động lượng lớn binh sĩ đây sang phía đông hoặc phía nam Ukraine.
Tiến trình đàm phán xa vời
Hôm 19/4, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi lệnh ngừng bắn trong 4 ngày trong tuần lễ thiêng của Chính thống giáo.
Nhưng nhiều ngày qua, không có dấu hiệu cho thấy hai bên sẽ đạt tiến triển trong đàm phán.
Cùng ngày 19/4, ông Mykhailo Podolyak, thành viên đoàn đàm phán Ukraine, cho biết “bi kịch” Mariupol đã làm phức tạp thêm quá trình đàm phán. Ông còn nói rất khó để đoán được các cuộc hòa đàm khi nào sẽ được nối lại vì tình hình tại Mariupol.
Trong khi đó, Phó đại diện phái đoàn thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky cho rằng ông không thấy triển vọng hai bên sẽ đạt bất cứ thỏa thuận nào tại thời điểm này.
Một ngày trước, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết hai bên vẫn trao đổi cấp thấp nhưng có rất ít tiến triển.
Moscow và Kyiv chưa tổ chức cuộc gặp mặt trực tiếp nào từ ngày 29/3. Cả hai đổ lỗi cho nhau về sự đổ vỡ của tiến trình đàm phán.
Hôm 19/4, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu còn cáo buộc phương Tây đang cố gắng kéo dài xung đột Ukraine bằng mọi cách.
“Khối lượng viện trợ vũ khí nước ngoài ngày một tăng thể hiện họ có ý định khiêu khích chính quyền Kyiv chiến đấu tới người Ukraine cuối cùng”, ông Shoigu khẳng định.
Dù cuộc giao tranh này tiếp diễn ra sao và bắt nguồn từ đâu, một điều không thay đổi là hậu quả nó gây ra đối với người dân.
“Chúng tôi bị đánh bom ở khắp mọi nơi”, Nadya, 65 tuổi, nói với AFP tại thị trấn Novodruzhesk ở Donbas. “Quả là một phép màu khi chúng tôi vẫn còn sống. Chúng tôi đang phải nằm đất và chờ đợi. Từ ngày 24/2, chúng tôi phải ngủ dưới hầm”.
Chỉ huy Ukraine nói đang đối mặt với thời khắc cuối ở Mariupol
Chỉ huy của lực lượng Ukraine cố thủ tại thành phố Mariupol cho biết họ “có thể đang đối mặt với những ngày cuối cùng, thậm chí là những giờ cuối".
Nga xác nhận giai đoạn mới của ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ bắt đầu
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 19/4 tuyên bố Moscow đã khởi động giai đoạn mới của “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, theo Reuters.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói đang ‘giải phóng’ miền Đông Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố Moscow đang tìm cách “giải phóng” miền Đông Ukraine. Ông cáo buộc phương Tây kéo dài chiến dịch quân sự với các khoản viện trợ vũ khí.