Trong báo cáo ngày 28/3, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga đang đạt được những tiến triển ở thành phố cảng Mariupol, tỉnh Donetsk, Ukraine.
“Nga đã chiếm được hầu hết vùng đất ở phía nam vùng lân cận Mariupol. Các cuộc giao tranh quyết liệt vẫn tiếp diễn khi Nga cố gắng chiếm đóng khu cảng”, cơ quan tình báo Anh tuyên bố.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) được công bố rạng sáng ngày 28/3 (giờ Việt Nam) cũng kết luận Nga đang đạt được những bước tiến vững chắc tại Mariupol.
“Lực lượng Nga tiếp tục bước tiến vào Mariupol, thành phố mà họ đang bao vây và không kích. Các cuộc giao tranh đang diễn ra trên từng khu nhà”, ISW tuyên bố.
Điểm nóng Mariupol
Theo ISW, quân Nga bắt đầu xâm nhập trung tâm thành phố Mariupol từ ngày 24/3. “Lực lượng Nga nhiều khả năng sẽ chiếm Mariupol hoặc buộc thành phố đầu hàng trong những tuần tới”, trung tâm này nhận định.
Thị trưởng Mariupol Vadym Boychenko cho biết thành phố đang bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nhân đạo và cần sơ tán toàn bộ người dân. Ông Boychenko cho biết vẫn còn khoảng 160.000 người bị kẹt trong thành phố.
Tuy vậy, Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết không hành lang nhân đạo nào được mở để sơ tán dân từ các thành phố bị bao vây vào hôm 28/3 vì “sự khiêu khích” của Nga.
Tình hình chiến sự tại Ukraine tính đến 3h ngày 28/3 (giờ Việt Nam). Đồ họa: ISW. |
Trong khi đó, tình hình ở các mặt trận khác tại Ukraine dường như không có nhiều sự chuyển biến lớn. “Trong 24 giờ qua, không có sự thay đổi lớn nào về vị trí của lực lượng Nga”, tình báo Anh nhận định.
Báo cáo của ISW cũng đưa ra nhận xét tương tự. Dù vậy, ISW cho rằng Nga chưa từ bỏ nỗ lực tái tổ chức lực lượng ở phía tây bắc Kyiv để mở cuộc tấn công lớn. Thậm chí, đích thân tư lệnh Quân khu miền Đông của Nga có thể đang chỉ huy hoạt động này.
Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine thông báo quân đội Nga đang chuyển các đơn vị chịu thiệt hại về Belarus, cũng như thiết lập bộ chỉ huy cho toàn bộ lực lượng của Quân khu miền Đông hoạt động quanh Kyiv tại khu vực Chernobyl.
Dù vậy, quá trình thay thế, củng cố lực lượng cũng khiến Nga khó có thể tổ chức tấn công lớn trong tương lai gần. “Cả Nga và Ukraine đều không tiến hành các hoạt động lớn ở Tây Bắc Kyiv trong 24 giờ qua”, ISW nhận xét.
Tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại khu vực lân cận Kharkiv - thành phố lớn thứ hai của Ukraine - cũng như ở mặt trận miền Nam Ukraine. Tại Donbas, nơi quân đội Nga coi là “trọng tâm” trong giai đoạn mới của “chiến dịch quân sự đặc biệt”, giao tranh vẫn diễn ra nhưng không dẫn tới sự thay đổi lớn trên chiến trường.
Trong khi đó, lực lượng Ukraine cũng chỉ tiến hành một số cuộc phản công giới hạn, cũng như tổ chức hoạt động kháng chiến ở khu vực Kherson nhằm kìm chân quân đội Nga.
Cơ hội hòa đàm
Sau một thời gian đàm phán trực tuyến với ít tiến triển đạt được, Nga và Ukraine có thể nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 29/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov cho biết.
Trước đó, hôm 27/3, Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đạt được đồng thuận về việc lựa chọn thành phố Istanbul làm địa điểm tổ chức hòa đàm.
“Chúng tôi không thể và sẽ không phát biểu về tiến triển của cuộc đối thoại. Tuy vậy, thực tế rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra trực tiếp là điều quan trọng”, ông Peskov nói.
Một tòa nhà bị bom đạn phá hủy tại Mariupol. Ảnh: Reuters. |
Dù vậy, triển vọng về một cuộc gặp giữa ông Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là không cao. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 28/3 nhận định cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo vào thời điểm này có thể “phản tác dụng”.
“Một cuộc gặp giữa ông Putin và ông Zelensky là cần thiết khi chúng tôi gần giải quyết được mọi vấn đề quan trọng”, ông Lavrov trả lời truyền thông Serbia.
Ông Peskov cũng xác nhận chưa có tiến triển nào trong các cuộc đối thoại về vấn đề này.
Trước đó, trả lời báo giới Nga hôm 27/3, Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine sẵn sàng chấp nhận trung lập và thỏa hiệp về tình trạng của khu vực Donbas như một phần của thỏa thuận hòa bình với Moscow.
Cũng trong cuộc họp báo ngày 28/3, ông Peskov tuyên bố những phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Ba Lan rằng Tổng thống Putin “không thể tiếp tục nắm quyền” là mối quan ngại với Moscow.
“Chúng tôi tiếp tục theo dõi sát sao các tuyên bố của tổng thống Mỹ”, ông Peskov nói, theo Sputnik. “Chúng tôi ghi âm chúng cẩn thận và sẽ tiếp tục làm vậy”.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Nga và phương Tây tiếp tục có những biện pháp đáp trả lẫn nhau về tình hình tại Ukraine. Moscow ngày 28/3 tuyên bố coi hãng thông tấn Đức Deutsche Welle là “cơ quan nước ngoài”. Hãng thông tấn này từng bị giới chức Nga “cấm sóng” trước đó.
Trong khi đó, Berlin đang tính tới khả năng hình sự hóa việc trưng bày biểu tượng “Z”, liên quan tới “chiến dịch quân sự” của Nga, Bộ Nội vụ Đức thông báo.