Washington áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt Moscow sau khi bán đảo Crimea sáp nhập Liên bang Nga. Hôm qua Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin công bố một loạt biện pháp để trả đũa Mỹ, bao gồm việc Nga không cho phép các phi hành gia Mỹ sử dụng Trạm Không gian Quốc tế (ISS) sau năm 2020 và cấm hoàn toàn việc sử dụng động cơ tên lửa Nga để đưa vệ tinh quân sự Mỹ vào vũ trụ.
Trạm Không gian Quốc tế (ISS) và hai tàu vũ trụ Nga. Ảnh: Wikipedia |
Biện pháp trả đũa của Nga khiến Mỹ không thể nhập khẩu các loại động cơ tên lửa NK-33 và RD-180 để phục vụ mục đích quân sự.
“Chúng tôi sẵn sàng cung cấp động cơ cho Mỹ với điều kiện Washington không sử dụng chúng để đưa vệ tinh quân sự vào quỹ đạo trái đất”, Rogozin khẳng định.
Chương trình không gian giữa Nga và Mỹ là sự hợp tác chặt chẽ nhất của hai quốc gia, bất chấp những bất đồng về chính sách đối ngoại của đôi bên. Hiện tại, phi hành gia Nga và Mỹ luân phiên nhau chỉ huy ISS. Sau khi phi đội tàu con thoi của Mỹ ngừng hoạt động, tàu vũ trụ Soyuz của Nga là phương tiện duy nhất đưa con người lên ISS và trở về.
Phó thủ tướng Nga nhấn mạnh rằng Moscow có thể tự vận hành ISS nhưng người Mỹ sẽ không thể làm điều tương tự.
“Tổ hợp thiết bị của Nga trên ISS có thể tồn tại độc lập với tổ hợp thiết bị của Mỹ nhưng điều ngược lại không xảy ra”, ông Rogozin nói.
Tuy nhiên, Rogozin thừa nhận lệnh cấm xuất khẩu một số công nghệ cao của Mỹ là đòn đánh mạnh vào ngành công nghiệp Nga, nhất là trong thời điểm Moscow đang cố gắng nâng cấp chương trình không gian.