Nga sẽ bỏ Tổng thống Syria?
Cuộc xung đột vũ trang ở Syria đang đẩy đất nước Hồi giáo có 23 triệu dân này vào hiểm họa nội chiến lâu dài.
Cuộc xung đột trong 17 tháng qua làm 21.000 người thiệt mạng, 250.000 người chạy ra nước ngoài lánh nạn, 1,5 triệu người sơ tán ở trong nước. Chấm dứt xung đột, hòa giải dân tộc và khôi phục hòa bình không chỉ là mong ước của nhân dân Syria mà cũng là đòi hỏi của dư luận thế giới, trước hết là khu vực Trung Đông.
Quân nổi dậy Syria ở Aleppo. |
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) ra nghị quyết yêu cầu chính quyền của Tổng thống al-Assad chuyển giao quyền lực trong hòa bình cho chính phủ dân chủ vì cho rằng không còn khả năng cho một giải pháp chính trị nếu ông al-Assad vẫn tại vị.
Sau khi cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan xin từ chức đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arab (AL) về Syria và kế hoạch hòa bình 6 điểm cho Syria do ông đề xướng càng bế tắc thì cuộc xung đột ở Syria đang có chiều hướng vượt ngoài tầm kiểm soát.
Dư luận thế giới không thể làm ngơ ý đồ của Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch cho cái gọi là thời kỳ “hậu Assad” với lý do tránh tái diễn tình trạng rối loạn như ở Iraq sau cuộc chiến lật đổ Tổng thống Saddam Hussein năm 2003. Theo báo chí Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao William Burns, chuyên gia về các vấn đề Trung Đông, chịu trách nhiệm lập kế hoạch đầy tham vọng này.
Vậy thực chất của kế hoạch thời kỳ “hậu Assad” là gì? Đó là Mỹ điều chỉnh chính sách đối với Syria, từ bỏ sức ép đòi chuyển giao quyền lực, chuyển sang hỗ trợ lực lượng nổi dậy lật đổ chế độ của Tổng thống al-Assad bằng tấn công quân sự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell tiết lộ Mỹ “ngầm đánh tiếng” cho quân đội Syria rằng Washington không muốn họ bị giải tán và những ai không trực tiếp tham gia các vụ đàn áp có thể sẽ được tham gia chính quyền mới “hậu Assad”. Một nội dung khác của kế hoạch là Mỹ không ép lực lượng nổi dậy phải trả thù những người trung thành với chế độ Assad sau khi ông ra đi.
Giới bình luận quốc tế có phần nghi ngờ kế hoạch thời kỳ “hậu Assad” của Mỹ vì không tính đến vai trò của Nga, đồng minh thân cận của Syria. Theo phân tích của báo Pháp Le Courrier International, Nga ủng hộ Syria chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của chính mình ở khu vực. Bài báo viết: “Ngoài việc bảo vệ uy tín một cường quốc, Nga còn phải tính toán ngăn chặn một số nguy cơ đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp các lợi ích quốc gia".
Chế độ al-Assad lâu nay là khách hàng tin cậy còn lại của công nghiệp quốc phòng Nga (với hợp đồng mua vũ khí 4 tỉ USD/năm) sau khi Moscow mất thị trường Iran và Libya. Nga đầu tư 19,4 tỉ USD cho hạ tầng cơ sở và ngành năng lượng Syria. Đặc biệt, Nga có một căn cứ hải quân ở cảng Tartus của Syria, căn cứ duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải để đối phó với khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, Nga hoàn toàn nhận thức được rằng chẳng sớm thì muộn, chế độ Assad sẽ sụp đổ. Vấn đề là ở chỗ đến thời điểm nào Nga sẽ thay đổi cách xử lý. Sẽ đến lúc Moscow phải bỏ rơi Assad và bảo đảm một tiến trình chuyển giao quyền lực êm thấm cho phép Nga ít nhất kết thúc được ván cờ và chứng tỏ cho phương Tây thấy rằng: nếu không có Nga thì không có giải pháp nào khả thi.
Theo Người Lao Động