Tiềm năng vũ khí hóa học của Syria
Chính quyền Syria tuyên bố “bất cứ cuộc xâm lược từ nước ngoài nào cũng sẽ vấp phải sự phản kháng bằng vũ khí hóa học".
Đây là lần đầu tiên Syria thừa nhận mình sở hữu vũ khí hóa học từ khi nước này từ chối tham gia ký kết Công ước về Vũ khí Hóa học năm 1992. Vậy thực hư về kho vũ khí này như thế nào?
Hóa chất của Syria có thể được đổ vào các đầu đạn. |
Theo AFP, kho vũ khí hóa học của Syria được cho là có từ nhiều thập kỷ trước, thậm chí còn có quy mô lớn nhất nhì tại Trung Đông. Tuy nhiên, do Chính phủ Damascus từ chối ký Công ước năm 1992 về Vũ khí Hóa học (CWC), vốn cấm việc sử dụng, sản xuất và tàng trữ vũ khí hóa học, nên các nước cũng có rất ít thông tin chính xác về kho vũ khí này.
Quy mô “cực lớn"
Đó là nhận định của ông Steven Heydemann, cố vấn cao cấp chương trình Những Sáng kiến Trung Đông của Viện Hòa bình Mỹ, về kho dự trữ vũ khí của Syria.
Nhìn lại lịch sử, theo Telegraph, kể từ đầu những năm 1980, sau khi thất bại trong các cuộc chiến chống lại Israel năm 1967, 1973 và 1982, Syria nỗ lực xây dựng và duy trì một kho vũ khí hóa học nhằm đối phó với khả năng Nhà nước Do Thái phát triển vũ khí hạt nhân.
Dù tuyên bố ủng hộ một khu vực Trung Đông phi vũ khí hủy diệt hàng loạt, song Syria không thể đơn phương từ bỏ vũ khí hóa học chừng nào Israel còn là mối đe dọa an ninh đối với họ. Vì vậy, năm 1971, Syria bắt đầu phát triển khả năng tự sản xuất vũ khí hóa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học (CERS).
Cơ sở này hiện được đặt tại Damascus, chịu trách nhiệm quản lý chương trình vũ khí hóa học của Syria; đồng thời trực tiếp đóng góp vào các nỗ lực nghiên cứu và phát triển chương trình này.
Theo trang web Global Security - cơ quan chuyên tập hợp các dữ liệu tình báo, có 4 cơ sở vũ khí hóa học bị nghi ngờ tại Syria: một ở phía Bắc Thủ đô Damascus, thứ 2 gần thành phố công nghiệp Homs, thứ 3 ở Hama - nơi được cho là đang sản xuất các chất VX, bên cạnh khí sarin và tabun. Cơ sở cuối cùng gần cảng Địa Trung Hải Latakia. Các nhà phân tích cũng cho rằng, thị trấn Cerin nằm bên bờ biển có khả năng là một cơ sở sản xuất vũ khí sinh học. Rất nhiều địa điểm khác đang được các cơ quan tình báo nước ngoài theo dõi chặt chẽ.
Các nhà phân tích nhận định, những vũ khí hóa học đầu tiên của Syria do Ai Cập cung cấp trước khi xảy ra cuộc chiến 1973 với Israel. Còn kể từ năm 1973, Syria gần như tự phát triển và sản xuất các chất độc dùng làm vũ khí hóa học, trong đó có khí iperit, sarin và có thể cả chất VX có khả năng tác động tới hệ thần kinh.
Dù chưa rõ số lượng chính xác các loại vũ khí hóa học, sinh học của Syria, song Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ước tính, quốc gia này có thể sở hữu hàng trăm tấn vũ khí hóa học và hàng năm họ sản xuất hàng trăm tấn chất độc hóa học.
Chuyên gia Olivier Lepick tại Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược ở Paris (Pháp) cũng chung nhận định. Ông lập luận: "Kho hóa chất của Syria rất lớn. Và họ đã nắm vững phương pháp tổng hợp các hợp chất họ organophosphorus, vốn là thế hệ vũ khí hóa học độc hại, hiệu quả và tân tiến thuộc loại bậc nhất hiện nay. Họ hợp chất này bao gồm chất độc dạng lỏng không màu, không mùi (sarin), chất hóa học tác động lên hệ thần kinh (VX) và khí mù tạt (mustard gas), vốn là khí độc có thể gây phồng rộp da".
Và nguy cơ cũng… “cực cao"
Nói chung, chuyên gia David Friedman của Israel cho biết, chất độc hóa học có thể được đổ vào các đầu đạn của tên lửa đạn đạo cho tới các đạn pháo tiêu chuẩn hay đạn được bắn từ trên không xuống. Vũ khí có thể chỉ nhỏ như các quả đạn pháo, song có sức hủy diệt ghê gớm.
Theo ông Friedman, các chất độc hóa học thường được sản xuất để phù hợp với một số loại vũ khí như bom khí (phần lớn chứa khí sarin), tên lửa SS-21 với tầm bắn từ 80 - 100km, tên lửa Scud B với tầm bắn 310km, tên lửa M-1B tầm ngắn và tên lửa hành trình SSC-1B. Các tên lửa tầm xa mới Scud C với tầm bắn lên tới 600km có khả năng mang các đầu đạn chứa khí độc đối với hệ thần kinh. Một số tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình hải quân có thể được thay đổi để sử dụng đầu đạn mang chất độc hóa học. Máy bay ném bom tấn công tầm xa Su-24 và các máy bay cường kích MiG-23B, Su-20 và Su-22 đều có thể được sử dụng cho loại vũ khí này.
Cũng theo ông Friedman, các chất độc hóa học của Syria hầu như luôn ở dạng lỏng hơn là dạng khí. Mặc dù có báo cáo nói rằng Syria cũng sử dụng các địa điểm bảo quản tự nhiên như hang động, song vũ khí hóa học chủ yếu được bảo quản trong bể chứa và thường được đặt trong các boong-ke được bịt kín của cơ sở quân sự. Một số hợp chất phải tách riêng các thành phần để bảo quản vì lý do an toàn.
Ông Charles Blair, thành viên cao cấp của Hiệp hội các Nhà khoa học Mỹ cũng cho rằng, Syria có nhiều thiết bị bắn vũ khí hóa học hơn Libya như máy bay ném bom, pháo và tên lửa đạn đạo. Hơn nữa, so với Libya, kho vũ khí hóa học của Syria lớn hơn nhiều.
Trong một phiên điều trần hồi năm ngoái, Trung tướng Ronald Lee Burgess, Cục trưởng Cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết: "Chương trình phát triển vũ khí hóa học lâu đời của Syria có sử dụng một lượng các hóa chất tác động lên thần kinh, vốn có thể gắn lên tên lửa máy bay hoặc tên lửa hành trình..."
Tuy nhiên, đáng lo nhất vẫn là những thứ vũ khí giết người hàng loạt sẽ rơi vào tay các tổ chức khủng bố trong trường hợp Chính phủ Syria sụp đổ. Theo ông Leonard Spector, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giải trừ Vũ khí James Martin đặt tại Washington (Mỹ), đang có nhiều nguy cơ đối với kho vũ khí hóa học của Syria. Một là, không loại trừ khả năng chính quyền của Tổng thống Assad sẽ sử dụng kho vũ khí này để chống lại quân nổi dậy, thậm chí cả dân thường nhằm buộc họ quy hàng. Hai là, quân nổi dậy chiếm được các kho vũ khí hóa học, và nếu bị quân chính phủ dồn ép, họ có thể sẽ sử dụng. Ba là, đáng lo ngại nhất là không kiểm soát được kho vũ khí hóa học và số vũ khí này rơi vào tay các tổ chức khủng bố như al-Qaeda hay Hezbollah tại Lebanon chẳng hạn.
Tất nhiên, cộng đồng quốc tế có lẽ chỉ tạm yên tâm với nguy cơ thứ nhất mà ông Spector đưa ra khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdissi đã tuyên bố: "Trong bất kỳ tình huống nào và dù cuộc khủng hoảng diễn biến ra sao, Syria sẽ không sử dụng bất kỳ loại vũ khí hóa học hoặc vũ khí không quy ước nào chống lại thường dân của mình. Syria sẽ chỉ sử dụng chúng khi bị xâm lược từ bên ngoài. Các tướng lĩnh sẽ quyết định về thời điểm và phương thức sử dụng". Song ông Makdissi cũng đã đề cập đến khả năng "những nhóm khủng bố" có thể được một số cường quốc bên ngoài trang bị vũ khí hóa học và "đã sử dụng chúng tại một trong số những ngôi làng của chúng tôi, sau đó quay sang đổ lỗi cho quân đội Syria".
Còn đối với nguy cơ thứ 2 và thứ 3 thì hầu như khó có khả năng kiểm soát. Thực tế, sự liên hệ giữa các nhóm al-Qaeda và vũ khí hủy diệt hàng loạt từ lâu là nỗi ám ảnh đối với các nhà hoạch định chiến lược quân sự Mỹ. Theo ông Charles Blair, "qua kinh nghiệm ở Iraq, rất khó đảm bảo an ninh cho các kho quân sự có độ nhạy cảm cao" như vũ khí hóa học. Tình hình ở Syria còn khó khăn hơn bởi không có binh sĩ nước ngoài nào có mặt bên trong Syria để xác định các địa điểm sản xuất và cất giữ vũ khí hóa học. Phương án tốt nhất là kêu gọi những binh sĩ đang canh gác các kho vũ khí vẫn giữ vững vị trí và đặt dưới sự giám sát của quốc tế để có quyết định trong tương lai.
Thậm chí, theo al Jazeera, nếu Syria có chính phủ mới thì liệu chính quyền này có đồng ý gia nhập Công ước về Vũ khí Hóa học và giải trừ số vũ khí này hay không? Hay họ sẽ lại dùng nó để làm con bài thương lượng trong tương lai?
Theo Thế giới và Việt Nam