Theo hãng thông tấn Nga TASS, Nga sẽ thực hiện ba vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat (ICBM) trong năm nay. Thông tin này được tiết lộ bởi các nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga và gần gũi với Bộ Quốc phòng Nga.
“Ba lần phóng tên lửa Sarmat là một phần trong chương trình phát triển”, nguồn tin cho biết.
Tên lửa RS-28 Sarmat của Nga. Ảnh: TASS. |
Lần phóng đầu tiên trong dự kiến diễn ra vào quý III/2021. Bãi thử Kura trên bán đảo Kamchatka, viễn đông nước Nga sẽ là mục tiêu thử nghiệm.
Tất cả ba vụ phóng sẽ được thực hiện từ một silo tại trung tâm vũ trụ Plesetsk, phía tây bắc nước Nga. Một trong số ba tên lửa có thể sẽ được triển khai ở tầm bắn tối đa.
Tên lửa Sarmat sẽ bắt đầu được đưa vào biên chế từ năm 2022. Trung đoàn đầu tiên sẽ được triển khai vào cuối năm.
"Bộ Quốc phòng Nga đã đặt mua hàng loạt tên lửa Sarmat", một trong số nguồn tin nói thêm.
RS-28 Sarmat được cho sẽ thay thế tên lửa R-36M2 Voevoda. Theo đánh giá, tên lửa Sarmat vượt trội đáng kể so với người tiền nhiệm. Một số chi tiết của loại tên lửa này đã được tiết lộ tại diễn đàn Army-2019. Tên lửa mới nặng 208,1 tấn, tải trọng gần 10 tấn và nhiên liệu là 178 tấn. Phạm vi của Sarmat là 18.000 km.
Hoạt động từ những năm 1970, R-36M2 Voevoda được các chuyên gia quân sự ví như kẻ hủy diệt kinh hoàng nhất thế giới. Loại tên lửa này có thể mang đa đầu đạn, đủ sức thổi bay nhiều thành phố cùng lúc.
Các nguồn tin cho biết Sarmat có thể chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa. Thời gian tăng tốc chủ động của tên lửa đã giảm đi rất nhiều so với tên lửa tiền nhiệm. Phần tăng tốc ngắn hơn rất quan trọng đối với việc vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa.
Tên lửa Sarmat có thể nhanh chóng đạt tới độ cao an toàn và bất khả xâm phạm, làm vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ tên lửa cho tới khi đạt đến quỹ đạo bay chính. Đồng thời, hệ thống này có thể bay bằng các tuyến đường không thể đoán trước và tránh các khu vực phòng thủ tên lửa.
Thậm chí, nó có thể bay qua Bắc Cực và Nam Cực và tiếp cận các mục tiêu từ các hướng không được dự kiến đánh chặn. Tên lửa Sarmat có thể mang một thiết bị tái nhập (reentry vehicle). Loại thiết bị này có thể tách ra khỏi tên lửa và tự hành ngang qua bầu trời với tốc độ khổng lồ và lao vào một mục tiêu được định sẵn.