Theo AFP, dự thảo nghị quyết đầu tiên do Mỹ soạn thảo được trình lên Hội đồng Bảo an (HĐBA) hôm 11/4. Theo đó, một nhóm điều tra độc lập sẽ tiếp cận Douma để tìm kiếm bằng chứng vụ tấn công hóa học. Kết quả cuộc điều tra sẽ được trình lên HĐBA xem xét trước khi công bố. HĐBA sẽ không bỏ phiếu về kết quả cuộc điều tra.
Dự thảo này được 12 trong tổng số 15 thành viên HĐBA ủng hộ nhưng không được thông qua do Nga, thành viên thường trực của HĐBA, phủ quyết. Đây là lần thứ 12 Nga dùng quyền phủ quyết các dự thảo về Syria tại HĐBA.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia phát biểu trước Hội đồng Bảo an. Ảnh: AFP. |
Sau đó, Nga trình lên HĐBA hai dự thảo nghị quyết khác. Dự thảo đầu tiên đề nghị thành lập cơ quan điều tra độc lập, nhưng kết quả điều tra phải được HĐBA bỏ phiếu thông qua. Dự thảo thứ hai ủy quyền cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học OPCW tiến hành thu thập bằng chứng về vũ khí hóa học được sử dụng, nhưng không xác định người đứng sau gây ra vụ tấn công.
Cả hai dự thảo do Nga đưa ra không nhận được đủ 9 phiếu ủng hộ từ các thành viên HĐBA, do vậy đều không được thông qua. Dự thảo đầu tiên, do kết quả điều tra phải được HĐBA thông qua, bị phương Tây coi là không khách quan. Dự thảo thứ hai bị coi là vô nghĩa do không truy tới bên đứng sau vụ tấn công.
Sau khi các dự thảo nghị quyết lần lượt bị bác bỏ, HĐBA đã trở thành võ đài đấu khẩu của đại sứ Mỹ và Nga. Đại sứ Mỹ cáo buộc Nga cản trở hoạt động của HĐBA và khiến tổ chức này mất uy tín.
"Lịch sử sẽ ghi lại, ngày hôm nay, Nga lựa chọn bảo vệ ác quỷ thay vì tính mạng người dân Syria", Đại sứ Mỹ Nikki Haley công kích.
Trong khi đó, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia cáo buộc dự thảo của Mỹ chỉ là cái cớ biện minh cho hành động chống Syria sắp tới và là một bước trong kế hoạch leo thang đối đầu của Washington.
"Chúng tôi dùng quyền phủ quyết để bảo vệ luật pháp quốc tế, để đảm bảo HĐBA sẽ không bị kéo vào cuộc phiêu lưu sắp tới của các vị", ông Nebenzia phát biểu.
Dự thảo nghị quyết phải nhận được phiếu ủng hộ của ít nhất 9 thành viên và không bị thành viên thường trực nào (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) phủ quyết mới có thể được HĐBA gồm 15 thành viên thông qua.
Vụ tấn công hóa học xảy ra hôm 8/4 tại thị trấn Douma. Đồ họa: BBC. |
Hôm 8/4, cuộc tấn công tại thị trấn Douma, khu vực cuối cùng tại Đông Ghouta còn nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng đối lập, đã khiến 70 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương. Các nạn nhân có triệu chứng sùi bọt trắng ở miệng, co giật, dấu hiệu của trúng độc.
Phương Tây cáo buộc quân đội chính phủ Syria sử dụng chất độc hóa học thần kinh Sarin trong vụ tấn công. Washington cũng cho rằng Nga và Iran, hai đồng minh chủ chốt của Tổng thống Syria Assad, phải chịu trách nhiệm liên đới.
Nga, Iran và Syria đồng loạt bác bỏ cáo buộc vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Douma. Nga cho biết các chuyên gia quân sự nước này và tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Syria không tìm thấy bằng chứng vũ khí hóa học được sử dụng. Moscow tuyên bố cáo buộc về vụ tấn công hóa học chỉ là cái cớ để phương Tây mở rộng can thiệp quân sự tại Syria.