“Theo quan điểm của chúng tôi, tình hình đang ở mức báo động. Và chúng tôi lo ngại trước thông tin về số lượng thương vong dân sự tại đây ngày càng tăng”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói ngày 12/3.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, ít nhất 70 người đã thiệt mạng tại Myanmar trong các cuộc biểu tình phản đối quân đội tiến hành chính biến. Trong ngày 11/3, ít nhất 9 người biểu tình thiệt mạng ở Myanmar, theo AFP.
Quân đội Myanmar giành quyền kiểm soát đất nước từ chính phủ dân cử của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), bắt giữ cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức khác vào ngày 1/2.
Người biểu tình Myanmar né hơi cay của cảnh sát trong cuộc biểu tình ngày 1/3. Ảnh: AP. |
Trước những diễn tiến khó lường tại Myanmar, nhiều quốc gia, tổ chức đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình hình tại đây, đồng thời kêu gọi quân đội nước này tôn trọng các quy định của luật pháp.
Ngày 4/3, Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt đối với quân đội Myanmar, đưa thêm Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ cùng 2 tập đoàn quân sự hàng đầu của nước này vào danh sách đen thương mại. Trước đó, nước này đã tăng cường gây áp lực với quan chức quân sự liên quan đến cuộc chính biến.
Tại cuộc họp ngày 10/3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án tình hình bạo lực ở Myanmar, đồng thời khẳng định tiếp tục ủng hộ tiến trình dân chủ, kêu gọi tôn trọng quyền, tự do cơ bản của con người và pháp quyền.
Chính phủ Anh trong ngày 12/3 khuyến cáo công dân nước này rời Myanmar, giữa bối cảnh lực lượng an ninh ở đây tiếp tục dùng vũ lực trấn áp người biểu tình.