Chính phủ Anh cũng cảnh báo "căng thẳng chính trị và bất ổn đang lan rộng kể từ khi quân đội Myanmar tiếp quản. Mức độ bạo lực đang gia tăng".
Thông báo của Bộ Ngoại giao Anh khuyên công dân nước này "rời khỏi Myanmar bằng các phương tiện thương mại, chỉ ở lại khi có nhu cầu khẩn cấp", theo AFP.
Người biểu tình Myanmar né hơi cay của cảnh sát trong cuộc biểu tình ở Yangon ngày 1/3. Ảnh: AP. |
AFP trích dẫn thống kê từ chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 70 người đã thiệt mạng trong làn sóng biểu tình sau vụ chính biến.
Riêng trong ngày 11/3, ít nhất 9 người biểu tình thiệt mạng ở Myanmar, theo AFP.
Myanmar rơi vào khủng hoảng sau khi quân đội giành quyền kiểm soát đất nước từ chính phủ dân cử của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), bắt giữ cựu cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức khác vào ngày 1/2.
Tại cuộc họp ngày 10/3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án tình hình bạo lực ở Myanmar, đồng thời khẳng định tiếp tục ủng hộ tiến trình dân chủ, kêu gọi tôn trọng quyền, tự do cơ bản của con người và pháp quyền.
Tuyên bố cũng khuyến khích đối thoại hòa bình, hòa giải, phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar.