Động thái đưa hơn 3.000 lính Mỹ tới Đức, Ba Lan và Romania của Tổng thống Joe Biden sẽ khiến các bên khó có thể đạt thỏa hiệp về vấn đề Ukraine, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói ngày 3/2, theo Guardian.
Hành động này sẽ “làm gia tăng căng thẳng quân sự và làm giảm phạm vi các quyết định chính trị”, đồng thời khiến nhà chức trách Ukraine “vui mừng”, ông Grushko nói.
Ảnh vệ tinh tại trại Novoozernoe ở Crimea vào ngày 15/9/2021 (trái) và ngày 1/2, cho thấy nhiều lều mới được dựng lên. Ảnh: Maxar. |
Một ngày trước, Mỹ cho biết sẽ đưa 1.700 binh sĩ từ Sư đoàn Lính dù số 82 tới Ba Lan, trong khi một đơn vị khoảng 300 người từ Quân đoàn Lính dù số 18 sẽ tới Đức. Cuối cùng, đơn vị thiết giáp với 1.000 binh sĩ đang được điều động từ Đức tới Romania.
Động thái của Mỹ nhằm phản ứng trước việc Nga triển khai hơn 125.000 binh sĩ tới sát gần biên giới Ukraine, bao gồm gần một nửa nhóm tác chiến và đơn vị hỗ trợ.
John Kirby, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết động thái điều động binh sĩ của Mỹ “được thiết kế để răn đe sự gây hấn và tăng cường năng lực phòng ngự của các nước đồng minh ở tuyến đầu”.
Theo ông Kirby, Nga đã “tiếp tục gia tăng lực lượng, các đơn vị hiệp đồng tác chiến, năng lực tấn công; đồng thời chưa thể hiện bất cứ tín hiệu nào cho thấy nước này mong muốn hoặc sẵn sàng giảm leo thang”.
Thứ trưởng Grushko đưa ra chỉ trích trên giữa lúc các nước thực hiện một loạt nỗ lực ngoại giao để giảm căng thẳng. Ngày 2/2, Tổng thống Putin và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc điện đàm về vấn đề Ukraine.
Ngày 3/2 (giờ địa phương), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ bay tới Kiev để đề nghị đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng sẽ trao đổi với ông Putin vào tối 2/2.