Một số chuyến bay, chẳng hạn những chuyến bay nối châu Âu và Đông Nam Á, đã gặp phải vấn đề vì Nga, quốc gia lớn nhất thế giới, nằm ngay giữa. Tuy nhiên, các nhà hoạch định đường bay của hãng hàng không đã cố gắng tìm ra giải pháp, theo CNN.
Trước khi Nga tấn công Ukraine, Finnair - hãng hàng không của Phần Lan - từng nhiều lần thực hiện chuyến bay qua không phận Nga để chở khách từ Helsinki đến Tokyo (Nhật Bản).
Nhiều chuyến bay đã thay đổi lộ trình sau khi Nga đóng không phận. Ảnh: Finnair. |
“Chúng tôi đã tính toán sơ bộ khoảng hai tuần trước khi không phận thực sự bị đóng”, Riku Kohvakka, Giám đốc kế hoạch bay tại Finnair, cho biết.
Giải pháp được đưa ra là bay qua Bắc Cực. Thay vì di chuyển qua Nga, các máy bay giờ đây sẽ rời Helsinki và đi thẳng về phía bắc, hướng đến quần đảo Svalbard của Na Uy, trước khi băng qua Bắc Cực và Alaska.
Sau đó, họ sẽ bay qua Thái Bình Dương để đến Nhật Bản. Điều đó khiến hành trình kéo dài hơn 13 giờ, và nhiên liệu được sử dụng nhiều hơn 40%. Ngoài đi qua Bắc Cực, Finnair cũng có thể đến Nhật Bản bằng cách bay về phía nam của Nga.
“Từ kinh nghiệm, chúng tôi biết rằng có hai khả năng: Đi về phía bắc hoặc phía nam”, ông Kohvakka nói.
Đường bay mới khiến mức tiêu thụ nhiên liệu tăng lên khoảng 20 tấn, từ đó các chuyến bay đã gặp phải nhiều thách thức về mặt tài chính và môi trường. Với lý do đó, Finnair đang ưu tiên vận chuyển hàng hóa.
“Thời gian bay tăng lên sẽ khiến số chuyến bay có hiệu quả kinh tế giảm xuống”, Jonas Murby, một nhà phân tích hàng không tại Aerodynamic Advisory, cho biết.
Theo Aleksi Kuosmanen, nhân viên cấp cao tại Finnair, hành khách khá hứng thú với đường bay mới.
Về mặt kỹ thuật, đường bay qua Bắc Cực cũng không gây ra bất kỳ rủi ro an toàn nào. Theo ông Kuosmanen, thời tiết lạnh giá có lẽ là điều đầu tiên được nghĩ đến, nhưng Finnair đã khá quen với điều này khi thực hiện các chuyến bay về phía bắc đến Tokyo trong không phận Nga.