"Xét tới việc (Mỹ) từ chối gia hạn giấy phép (ngoại lệ) khiến việc trả nợ nước ngoài bằng USD là bất khả thi, các khoản thanh toán sẽ được thực hiện bằng đồng nội tệ của Nga", Bộ Tài chính Nga ra tuyên bố hôm 25/5, theo AFP.
Bộ Tài chính Nga cũng cho biết rằng sau này, "các khoản thanh toán có thể được chuyển đổi về đồng tiền thanh toán ban đầu" thông qua một tổ chức tài chính Nga.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ chấm dứt ngoại lệ cho phép Nga sử dụng dự trữ ngoại tệ trong nước để thanh toán các khoản nợ nước ngoài. Quyết định này có thể sớm đẩy Nga vào tình trạng "vỡ nợ kỹ thuật".
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov. Ảnh: AFP. |
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết vỡ nợ, nếu xảy ra, chỉ là "tình trạng nhân tạo do một quốc gia không thân thiện gây ra".
"Chúng tôi có tiền và cũng muốn trả nợ", Bộ trưởng Siluanov tuyên bố. Ông đồng thời khẳng định tình huống hiện nay không giống với năm 1998, khi Nga rơi vào khủng hoảng kinh tế dẫn tới vỡ nợ với các khoản nợ trong nước bằng đồng ruble.
Trước đó, Nga đã tìm cách đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách thỏa thuận với các chủ nợ thanh toán bằng đồng ruble nhưng không thành công. Phần lớn nợ nước ngoài của Nga bằng các đồng ngoại tệ mạnh của phương Tây.
Hạn trả nợ tiếp theo của Nga đến vào 27/5, khi đó Moscow phải thanh toán lãi hai loại trái phiếu trị giá 106 triệu USD, trong đó một loại chỉ cho phép trả bằng USD, EUR, bảng Anh và franc Thụy Sĩ.
Đến cuối tháng 6, Nga sẽ phải thanh toán tiếp số nợ tổng cộng gần 400 triệu USD.
Theo thông lệ, nếu không thể thanh toán các khoản nợ, trong vòng 15-30 ngày, quốc gia sẽ bị tuyên bố là vỡ nợ, gây tổn hại cho uy tín của hệ thống tài chính trong nước, đồng thời các chủ nợ có quyền sử dụng biện pháp pháp lý để đòi quyền lợi.
Lần cuối Nga vỡ nợ nước ngoài vào năm 1918, khi chính quyền Bolshevik từ chối công nhận nghĩa vụ trả nợ đã có từ thời chế độ Sa hoàng.