Tàu chở dầu ùn ứ ở biển Đen, ngoài khơi Kilyos, gần Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, do lệnh áp giá trần đối với dầu Nga, ngày 8/12. Ảnh: Reuters. |
Nga sẽ cấm cung cấp dầu thô cho “các pháp nhân và cá nhân nước ngoài” “trực tiếp hoặc gián tiếp quy định sử dụng cơ chế áp giá trần”. “Lệnh cấm được áp dụng ở tất cả giai đoạn cung cấp", theo sắc lệnh được công bố ngày 27/12, TASS đưa tin.
Sắc lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/2/2023 đến ngày 1/7/2023.
Lệnh cấm bán riêng biệt đối với các sản phẩm dầu tinh chế như xăng và dầu diesel sẽ có hiệu lực vào ngày do chính phủ ấn định. Tổng thống Putin có quyền bãi bỏ lệnh cấm trong trường hợp đặc biệt, theo Reuters.
Trước đó, EU, các nước G7 (Anh, Đức, Italy, Canada, Mỹ, Pháp, Nhật Bản), cũng như Australia, đã đồng ý áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga được cung cấp bằng đường biển. Lệnh này có hiệu lực kể từ ngày 5/12.
Mỹ, EU và Anh cũng đang cấm các công ty của họ cung cấp dịch vụ vận tải, tài chính và bảo hiểm cho các tàu chở dầu từ Nga có mức giá cao hơn mức quy định.
Mức trần 60 USD/thùng khá sát với giá dầu hiện tại của Nga, nhưng thấp hơn nhiều so với mức giá Nga có thể bán trong phần lớn năm qua.
Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia. Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với hoạt động bán hàng của Nga cũng sẽ có tác động lớn tới nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.