Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nepal sau động đất: Đau thương nhưng không gục ngã

Liên tiếp hứng chịu những mất mát sau hai trận động đất trong thời gian ngắn, người dân Nepal vẫn tràn đầy niềm tin vào cuộc sống, bên cạnh sự chung tay giúp đỡ của thế giới.

Người dân Nepal vẫn tiếp tục cuộc sống sau động đất. Ảnh: CNN
Người dân Nepal vẫn tiếp tục cuộc sống sau động đất. Ảnh: CNN

Trận động đất mạnh 7,3 độ Richter xảy ra trưa 12/5 lại làm rung chuyển đất nước Nepal. Chấn động diễn ra chỉ trong khoảng 30 giây nhưng cũng đủ xới tung cả đường phố và nhà cửa. Người dân Nepal một lần nữa phải sống trong hoảng loạn và sợ hãi, khi dư âm của cơn động đất 17 ngày trước còn chưa nguôi. 

Trong khi lực lượng cứu hộ tiếp tục nỗ lực phân phát hàng cứu trợ, Nepal lại xảy ra dư chấn 4,2 độ Richter khiến họ thấy choáng váng thực sự. "Tôi cảm giác mình như đang phải hứng chịu khủng bố về tinh thần. Chẳng ai có thể đảm bảo sẽ không có trận động đất nào nữa xảy đến với chúng tôi", một người dân chia sẻ trong hoảng hốt.

Đường vào thành phố Kathmandu dẫn thẳng đến các khu dân cư. Sau trận động đất hôm 25/4, sân golf ngoại ô thành phố trở thành nơi ở của người dân. Họ đã mất hết nhà cửa và việc xây lều tạm tại đây ít nhiều mang lại cảm giác an toàn. Những ngôi nhà đã nứt và hư hại trong trận động đất trước giờ đây chịu chung số phận, tất cả chỉ còn lại là đống đổ nát.

"Chúng tôi đang bắt đầu thích nghi và trở lại cuộc sống sau thảm họa động đất tháng trước thì một lần nữa nó lại xảy ra khiến chúng tôi không cảm thấy an toàn khi ở nhà nữa. Chúng tôi đã quyết định trở lại khu lều tạm ngoài trời, đây là nơi chúng tôi đã sơ tán tới sau trận động đất trước", người dân Nepal cho hay.

Will Ripley, phóng viên CNN đến hiện trường sau vụ động đất, chia sẻ: "Không khí bắt đầu trong lành hơn và điện đã trở lại một số nơi trong thành phố Kathmandu. Có thể thấy, các đội cứu trợ đang làm việc hết mình. Chúng tôi cố gắng tìm bãi đất trống giữa đống đổ nát để đáp cánh".

Tại một góc khác của thành phố Kathmandu, một số gia đình ngủ thiếp đi trong gara ôtô, từ người già đến trẻ nhỏ. Dù không còn nhà để ở, họ vẫn lạc quan vì thấy rằng mình may mắn hơn nhiều gia đình khác mất đi người thân.

Vì sao động đất mạnh liên tiếp xảy ra ở Nepal?

Hai cơn địa chấn mạnh hơn 7 độ Richter xảy ra ở Nepal trong vòng chưa đầy 3 tuần khiến nhiều người lo lắng về tần suất xảy ra động đất ở nước này.

Tái thiết sau động đất

Lực lượng cứu hộ đang dọn đống đổ nát để tìm kiếm người mất tích. Ảnh: Telegraph
Lực lượng cứu hộ đang dọn đống đổ nát để tìm kiếm người mất tích. Ảnh: Telegraph

Một nhân viên mạng lưới cứu trợ Caritas của Australia cho hay: "Khi tôi làm việc với các đối tác tại Nepal, thăm những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi trận động đất, tôi thực sự choáng ngợp và cảm động trước những con người tốt bụng và lạc quan về khả năng phục hồi của Nepal".

"Hãy tạo điều kiện cho Nepal được nhận cứu trợ từ ngân sách của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), bởi thảm họa thiên nhiên này tàn phá hơn 25% năng lực sản xuất, ảnh hưởng đến 1/3 dân số hoặc gây thiệt hại lớn so với quy mô nền kinh tế của nước này. Rõ ràng, Nepal sẽ hội đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ IMF ngay lập tức", ông Eric LeCompte, giám đốc điều hành mạng lưới cứu trợ Jubilee cho biết. 

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc đang cung cấp thực phẩm cứu đói khẩn cấp, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới cử bác sĩ, viện trợ thuốc, dụng cụ y tế để chữa trị cho hàng chục nghìn người bị thương vì động đất.

Thủ tướng Nepal Sushil Koirala đã kêu gọi người dân Nepal bình tĩnh và đoàn kết để vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Chính phủ cũng huy động mọi nguồn lực tới thủ đô Kathmandu và những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất để hỗ trợ người dân. 

Dù hàng trăm người Nepal hiện vẫn phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất mà không có điện, lương thực và nước uống, họ vẫn hỗ trợ cho các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ nạn nhân của cả 2 trận động đất bằng sự lạc quan đáng ngưỡng mộ, phóng viên CNN viết.

Những cách thoát chết khi động đất xảy ra

Núp dưới gầm bàn, tránh xa các tòa nhà hay không đỗ xe dưới gầm cầu vượt là những cách đảm bảo toàn tính mạng khi mặt đất rung lắc vì địa chấn.

Mai Phương

Bạn có thể quan tâm