Dư chấn mới nằm cách không xa tâm trận động đất ngày 25/4. Ảnh: Daily Mail |
Chỉ 2 tuần sau trận động đất kinh hoàng tại Nepal hôm 25/4, quốc gia Nam Á tiếp tục hứng chịu cơn địa chấn mạnh 7,3 độ Richter xảy ra vào khoảng 12h35 (giờ địa phương) ngày 12/5. Tâm chấn của thảm kịch mới nằm gần núi Everest và cách tâm chấn cũ hôm 25/4 hơn 160 km. Người dân tại một số khu vực ở Ấn Độ, Tây Tạng và Bangladesh cũng có thể cảm nhận sự rung lắc.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) nhận định, trận động đất mới nhất tại Nepal thực chất là dư chấn sau thảm họa khiến 8.000 người chết trước đó, India Times đưa tin. Theo phân tích của USGS, mặt đất rung chuyển mạnh hôm 12/5 là dư chấn mạnh nhất trong khoảng 100 hiện tượng tương tự kể từ trận động đất 7,8 độ Richter hôm 25/4.
USGS ghi nhận tâm chấn của động đất mới nằm ở độ sâu khoảng 19 km, gần thị trấn Namche thuộc dãy Himalaya. Nó là kết quả của sự va chạm liên tục giữa mảng kiến tạo Ấn Độ và Á-Âu. Do hiện tượng đứt gãy nghịch, động đất xảy ra khi mảng Ấn Độ tiếp tục di chuyển về phía mảng Á-Âu với tốc độ 45 mm/năm.
Một bé trai bật khóc trong vòng tay mẹ sau cơn địa chấn tại Nepal ngày 12/5. Ảnh: EPA |
Một phát ngôn viên của USGS cho biết, sự dịch chuyển này sẽ tạo ra thêm nhiều trận động đất mới và biến Nepal thành một trong những vùng địa chấn nguy hiểm nhất trên trái đất.
Cơ quan này cho rằng, dù tâm chấn của trận động đất hôm 12/5 là một điểm, nó thực ra là kết quả của sự trượt các mảng kiến tạo cùng hiện tượng đứt gãy. Tình trạng này thường xảy ra dọc khu vực có diện tích 55x19 km2.
Từ tâm chấn, sự rối loạn địa chất kéo dài về phía đông, hướng về phía thủ đô Kathmandu. Trận động đất mới nhất xảy ra tại cuối khu vực phía đông của sự dịch chuyển này.
Trước năm 2015, chỉ 4 cơn địa chấn trên 6 độ Richter từng tấn công khu vực này trong 100 năm. Trong đó, trận động đất lớn nhất xảy ra tại Nepal và bang Bihar của Ấn Độ là vào năm 1934 với cường độ 8,0 độ Richter. Nó đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10.600 người.
Một trận động đất mạnh 6,9 độ Richter cũng xảy ra ở khu vực gần biên giới Nepal - Ấn Độ năm 1988, khiến 1.500 người thiệt mạng.