Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ - hai đồng minh của NATO đã công khai chỉ trích nhau, khi căng thẳng quốc tế gia tăng liên quan đến cuộc xung đột Armenia và Azerbaijan ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Cuộc giao tranh khốc liệt nhất kể từ giữa những năm 1990 đã bước sang ngày thứ 4, hai bên đều cáo buộc nhau pháo kích dọc theo đường biên giới chia cắt vùng núi ở Nam Caucasus đầy biến động, Reuters cho biết.
Hàng chục người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc giao tranh đã lan rộng ra ngoài ranh giới của khu vực tranh chấp, kéo theo nguy cơ xảy ra chiến tranh tổng lực.
Việc tái diễn giao tranh trong “cuộc xung đột đã đóng băng” từ những năm 1990, làm dấy lên mối lo ngại về sự ổn định ở Nam Caucasus - khu vực hành lang cho các đường ống dẫn dầu và khí đốt đến thị trường thế giới - cũng như nguy cơ kéo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột.
Mối quan ngại về lập trường của Ankara
Một số đồng minh trong NATO ngày càng lo lắng trước lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ đối với khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, một khu ly khai bên trong lãnh thổ Azerbaijan - đồng minh thân cận của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vỏ đạn pháo chất thành đống tại một vị trí triển khai pháo binh của quân đội Armenia. Ảnh: Reuters. |
Lặp lại bài phát biểu của Tổng thống Tayyip Erdogan, hôm 30/9, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nói rằng “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm điều cần thiết”, khi ông được hỏi liệu Ankara có cung cấp hỗ trợ quân sự nếu Azerbaijan yêu cầu hay không.
Hôm 29/9, chính phủ Armenia cáo buộc một tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ cường kích Su-25 của nước này, một động thái có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu được xác nhận độc lập.
Ngay trước khi giao tranh nổ ra, tờ Jerusalem Post đưa tin rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang trả tiền cho lính đánh thuê Syria triển khai tới Azerbaijan, một hoạt động mà Ankara từng sử dụng ở Libya.
Elizabeth Tsurkov, thành viên tại Trung tâm Chính sách toàn cầu, đã viết trên Twitter rằng hàng chục tay súng đánh thuê từ Syria (nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền) đã rời Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ theo hướng không xác định, khoảng một tuần trước khi xung đột nổ ra giữa Armenia và Azerbaijan.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cũng góp phần tăng cường các luận điệu chống lại Armenia trong những ngày gần đây, đe dọa nước này “đang đùa với lửa”. Họ cáo buộc Armenia đã chiêu mộ “những kẻ khủng bố”.
Jerusalem Post nhận định những luận điệu mới dường như là một cách để Ankara biện minh cho cuộc khủng hoảng mới và sự can dự vào Caucasus.
Đáp lại Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Paris cực kỳ lo ngại trước "thông điệp hiếu chiến của Ankara". Điều đó giống như một sự hậu thuẫn cho Azerbaijan tái chiếm khu vực Nagorno-Karabakh. “Chúng tôi sẽ không chấp nhận điều đó”, Tổng thống Macron nói.
Nga kêu gọi đàm phán
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow sẵn sàng tiếp đón ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan để đàm phán ngừng bắn. Ngoại trưởng Lavrov đã điện đàm riêng cho những người đồng cấp Armenia và Azerbaijan, ông kêu gọi hai bên ngừng bắn và dừng việc sử dụng những lời lẽ khiêu khích hiếu chiến.
Hệ thống rocket phóng loạt của Azerbaijan pháo kích về phía Armenia. Ảnh: Reuters. |
Ngoại trưởng Lavrov cho biết thêm Nga sẽ tiếp tục làm việc độc lập và cùng với đại diện khác của Nhóm Minsk, thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) để làm trung gian cho việc giải quyết cuộc xung đột.
Pháp cho biết họ muốn Nhóm Minsk - đứng đầu là Moscow, Paris và Washington sẽ đứng ra giải quyết cuộc xung đột. Lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng sẽ thảo luận về vấn đề này tại một hội nghị thượng đỉnh vào cuối tuần này, nguồn tin chính phủ Đức cho biết.
Điện Kremlin cho biết quân đội Nga đang theo sát các diễn biến.
Nagorno-Karabakh - một vùng núi cao đã tách khỏi Azerbaijan trong cuộc chiến tranh giai đoạn 1988 -1994, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng khoảng 30.000 người, buộc hàng trăm nghìn người phải di tản.