Xung đột Armenia và Azerbaijan ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh đang diễn biến theo chiều hướng ngày một phức tạp.
Armenia hôm 29/9 cho biết quân đội Azerbaijan đang sử dụng pháo binh tầm xa và có sức công phá mạnh hơn trong cuộc chiến ở khu vực tranh chấp. Armenia đe dọa sẽ triển khai vũ khí hạng nặng để đáp trả, New York Times cho biết.
Bộ Quốc phòng Armenia cho biết một máy bay phản lực của họ bị tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Phát ngôn viên bộ này cho biết máy bay Thổ Nhĩ Kỳ cất cánh ở Azerbaijan, bay đến Armenia và bắn rơi máy bay quân sự nước này.
Pháo binh của Armenia triển khai ở khu vực Nagorno-Karabakh. Ảnh: Reuters. |
Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ đều phủ nhận cáo buộc của Armenia. New York Times không thể xác nhận một cách độc lập về tuyên bố của Armenia.
Các cuộc giao tranh ở Nagorno-Karabakh, hiện đã bước sang ngày thứ 3 đã khiến hàng chục người thiệt mạng, kéo theo nguy cơ chiến tranh tổng lực, có thể dẫn đến sự can thiệp của hai cường quốc trong khu vực là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Quốc phòng Armenia cho biết thêm Azerbaijan đã khai hỏa hai hệ thống rocket phóng loạt uy lực do Liên Xô sản xuất. Đáp lại, quân đội Armenia đe dọa sẽ tung ra loại vũ khí hạng nặng chưa xác định.
Bộ Ngoại giao Armenia hôm 29/9 cho biết ít nhất một thường dân đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Armenia có hiệp ước phòng thủ chung với Nga, nhưng chưa yêu cầu kích hoạt nó.
Armenia và Azerbaijan đã xung đột ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh những năm 1990 - cuộc xung đột kết thúc trong bế tắc với lệnh ngừng bắn năm 1994, nhưng không có hiệp định hòa bình.
Các cuộc đụng độ trên khu vực biên giới liên tục xảy ra sau đó, nhưng cuộc giao tranh hiện nay đã khác trước, vì quy mô của nó cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ đang công khai ủng hộ Azerbaijan - một quốc gia nói tiếng Thổ với rất nhiều người dân tộc Turk sinh sống ở Azerbaijan.
“UAV vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ, tương tự UAV Predator của Mỹ lần đầu được sử dụng rộng rãi trong các cuộc giao tranh tuần này. Sự xuất hiện của nó là dấu hiệu khác cho thấy xung đột Nagorno-Karabakh, diễn ra trong nhiều thập kỷ mà không có nhiều sự quan tâm từ bên ngoài, giờ đây đã trở thành một phần trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga”, Richard Giragosian, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khu vực ở Yerevan, nói.
Các cuộc giao tranh trước đây phần lớn xảy ra ở khu vực không có dân cư. Tuy nhiên, các cuộc pháo kích gần đây đã tấn công khu vực đông dân cư ở Nagorno-Karabakh.
Quân đội ly khai Nagorno-Karabakh hôm 29/9 cho biết 84 binh sĩ của họ đã thiệt mạng. Cả Armenia và Azerbaijan trong quá khứ đều đe dọa tấn công cơ sở hạ tầng chiến lược của đôi bên, nếu xảy ra chiến tranh.