Quân đội hai bên đều xác nhận việc triển khai pháo binh hạng nặng, Reuters đưa tin. Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết lực lượng đối lập đã cố gắng chiếm lại những vùng đất bị mất, bằng cách phát động tấn công theo hướng Fizuli, Jabrayil, Agdere và Terter.
Bộ này cho biết thêm đã có giao tranh trong thành phố, xung quanh khu vực Fizuli và quân đội Armenia đã bị đánh bật khỏi khu vực Dashkesan, trên biên giới giữa hai nước, khoảng 1,6 km từ khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Quân đội Armenia bác bỏ tuyên bố của Azerbaijan, nhưng nói rằng có giao tranh suốt đêm và quân đội Nagorno-Karabakh đã đẩy lùi các cuộc tấn công từ nhiều hướng dọc theo biên giới.
Nagorno-Karabakh là một khu vực ly khai nằm trong Azerbaijan, nhưng do người Armenia kiểm soát và được chính phủ Armenia hỗ trợ. Khu vực này tách khỏi Azerbaijan trong cuộc chiến vào những năm 1990 và tuyên bố thành lập Cộng hòa Artsakh, nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Pháo binh Armenia triển khai ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: Reuters. |
Các cuộc đụng độ quân sự gần đây giữa Armenia và Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh đã leo thang đến mức nghiêm trọng nhất kể từ năm 2016. Xung đột làm dấy lên lo ngại đối với nam Caucasus, khu vực hành lang cho các đường ống dẫn dầu và khí đốt đến thị trường thế giới.
Cả hai bên đều cáo buộc nhau sử dụng pháo binh hạng nặng.
Hôm 27/9, Azerbaijan báo cáo về cái chết của 5 thành viên trong một gia đình. Trong khi Armenia hôm 29/9 cho biết một bé gái 9 tuổi thiệt mạng, mẹ và anh trai bị thương trong vụ pháo kích của Azerbaijan. Cơ quan phòng vệ Nagorno-Karabakh cho biết 2 mẹ con thiệt mạng ở Martuni hôm 27/9.
Chính phủ Armenia đang xem xét ký kết liên minh chính trị với Nagorno-Karabakh, nghị sĩ Lilit Makunts thuộc liên minh My Step cầm quyền ở Armenia viết trên Facebook.
Bất kỳ động thái nào dẫn đến chiến tranh tổng lực giữa Armenia và Azerbaijan đều có thể kéo theo sự can thiệp của các cường quốc trong khu vực.
Nga có liên minh quốc phòng với Armenia. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ những người tộc Turk ở Azerbaijan. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan từng gọi “Armenia là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định trong khu vực”.