Các cuộc đụng độ tồi tệ nhất kể từ năm 2016 này làm dấy nỗi lo ngại về “bóng ma” của một cuộc chiến quy mô lớn mới giữa Azerbaijan và Armenia, vốn đã được kìm nén nhiều thập kỷ nay trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Nagorno-Karabakh.
Sáng 27/9, Azerbaijan bắt đầu ném bom dữ dội dọc theo chiến tuyến của Karabakh và nhắm vào các mục tiêu dân sự, gồm cả thành phố thủ phủ của Cộng hòa Nagorno-Karabakh (NKR) tự xưng - Stepanakert, người đứng đầu khu vực cho biết.
Nagorno-Karabakh, khu vực ly khai do Armenia nắm giữ, đã tuyên bố “thiết quân luật và tổng động viên quân sự”.
“Tôi đã tuyên bố thiết quân luật”, huy động những người có nghĩa vụ quân sự và trên 18 tuổi, người đứng đầu Karabakh, Araik Harutyunyan, nói trong cuộc họp khẩn của cơ quan lập pháp ở Stepanakert.
Cơ quan phòng vệ của NKR tuyên bố binh lính của họ đã bắn hạ hai trực thăng quân sự và 15 máy bay không người lái và 10 xe tăng của Azerbaijan.
Xe tăng của Azerbaijan bị phá hủy ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: Reuters. |
Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết họ đã phát động “cuộc tấn công đáp trả nhằm trấn áp hoạt động chiến đấu của Armenia và đảm bảo an toàn cho người dân”. Tổng thống Azerbaijan cũng cam kết sẽ chiến thắng trước các lực lượng Armenia.
Trong khi đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan viết trên Facebook: “Chúng ta hãy vững vàng đồng hành với nhà nước và quân đội, và chúng ta sẽ chiến thắng. Quân đội Armenia vinh quang muôn năm!”.
Phe ly khai người Armenia đã chiếm được phần lớn Karabakh từ Azerbaijan trong cuộc chiến quy mô lớn những năm đầu 1990, cướp đi sinh mạng của 30.000 người.
Cuộc giao tranh Nagorno-Karabakh về bản chất là cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia. Nagorno-Karabakh vốn là một vùng đất vốn thuộc về Azerbaijan nhưng cư dân của nó lại chủ yếu lại là người Armenia.
Các cuộc đàm phán để giải quyết tranh chấp Karabakh - một trong những xung đột tồi tệ nhất xuất hiện sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết năm 1991 - phần lớn đã bị đình trệ kể từ sau thỏa thuận ngừng bắn năm 1994, vốn thiết lập được khu phi quân sự ở vùng tranh chấp.
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, với sự trung gian của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) do Nga, Mỹ và Pháp làm đồng chủ tịch, xung đột vẫn thường xuyên xảy ra. Nỗ lực to lớn cuối cùng cho một thỏa thuận hòa bình đã đổ vỡ vào năm 2010.
Azerbaijan giàu năng lượng và đầu tư rất nhiều vào quân đội của mình. Họ nhiều lần tuyên bố sẽ chiếm lại Karabakh bằng vũ lực.
Trong khi đó, Armenia đã tuyên bố họ sẽ quyết tâm bảo vệ lãnh thổ vốn tuyên bố độc lập nhưng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Yerevan.