Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

NASA phát hiện 'sao Thổ nóng', lập danh sách bản sao Trái Đất

Sứ mệnh "săn hành tinh" TESS của NASA chỉ mới bắt đầu quan sát vũ trụ từ tháng 7/2018 nhưng đã có nhiều phát hiện đột phá về triển vọng tìm ra hành tinh có sự sống.

Sứ mệnh "săn hành tinh" của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) tiếp tục phát hiện thêm hành tinh mới có kích thước tương đương sao Thổ, theo CNN.

Vật thể mà Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh Giai đoạn chuyển tiếp (TESS) chú ý được đặt tên hiệu là TOI 197.01. Các nhà nghiên cứu mô tả TOI 197.01 là "sao Thổ nóng". Hành tinh nằm gần ngôi sao trung tâm, với chu kỳ quỹ đạo là 14 ngày. Điều này khiến bề mặt hành tinh chịu một lượng nhiệt rất lớn.

Trong thời gian đầu hoạt động, TESS đã phát hiện ba hành tinh mới, trong đó có một hành tinh được mô tả là "siêu Trái đất". Các phát hiện này được công bố hồi tháng 1 tại hội nghị thường niên của Hội Thiên văn Mỹ ở Seattle.

phat hien hanh tinh moi anh 1
Mô phỏng hành tinh TOI 197.01 di chuyển gần ngôi sao trung tâm. Ảnh: NASA.

Các nhà thiên văn học phát hiện hành tinh mới thông qua nghiên cứu sóng địa chấn còn được gọi là "chấn động thiên thể" (starquake). Hiện tượng này xảy ra khi những ngôi sao thay đổi độ sáng. Giới khoa học có thể xác định được tuổi thọ của ngôi sao, cũng như khối lượng và bán kính của nó.

Các dữ liệu cho phép nhà khoa học xác định đặc tính của những ngoại hành tinh (exoplanet) xoay quanh các ngôi sao nằm ngoài Thái Dương Hệ.

Theo mô tả ban đầu, ngoại hành tinh TOI 197.01 là một hành tinh khí khổng lồ với bán kính gấp 9 lần Trái đất và khối lượng gấp 60 lần hành tinh chúng ta. Ngôi sao trung tâm đã hoạt động suốt 5 tỷ năm, có khối lượng và kích thước lớn hơn Mặt trời của chúng ta.

Steve Kawaler, chuyên gia vật lý và thiên văn tại Đại học Bang Iowa, cho biết sứ mệnh TESS vẫn còn rất nhiều tiềm năng nghiên cứu đột phát.

"Những dữ liệu của TESS tốt đến mức chúng tôi đang lên kế hoạch thực hiện những nghiên cứu chưa ai nghĩ đến. Có thể chúng tôi sẽ thử nhìn đến những ngôi sao đang mất dần ánh sáng, những sao lùn trắng, để hiểu thêm về tương lai Mặt trời và Thái Dương Hệ của chúng ta", Kawaler cho biết.

Tuần này, một nhóm các nhà thiên văn học đã công bố bản danh sách 1.822 ngôi sao có khả năng hỗ trợ các hành tinh duy trì sự sống. TESS sẽ chú ý quan sát các hành tinh có kích thước tương tự như Trái Đất.

phat hien hanh tinh moi anh 2
Sứ mệnh kính viễn vọng TESS được xem là "cầu nối đến tương lai" trong nỗ lực tìm kiếm hành tinh mới giống Trái Đất. Ảnh: NASA.

"Vùng có khả năng duy trì sự sống" được nhóm nghiên cứu gọi là vùng Godilocks, nơi có nhiệt độ vừa đủ để nước tồn tại ở thể lỏng trên bề mặt hành tinh. 

"Cuộc sống có thể tồn tại ở mọi dạng thế giới nhưng hình mẫu duy nhất mà chúng ta biết chính là Trái Đất. Sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta nghiên cứu trước về các hành tinh giống Trái Đất", Lisa Kaltenegger, thành viên nhóm nghiên cứu TESS tại Đại học Cornell, chia sẻ trong danh sách có 408 ngôi sao tiềm năng lớn nhất.

Sứ mệnh TESS được đánh giá sẽ là "cầu nối đến tương lai", giúp các nhà khoa học xác định những ngoại hành tinh nào có triển vọng nghiên cứu thêm. Sau đó, NASA sẽ lọc ra những mục tiêu mới cho sứ mệnh Kính viễn vọng Vũ trụ James Webb.

Kính viễn vọng James Webb sẽ được phóng lên vũ trụ vào năm 2021, có khả năng xác định đặc tính và bầu khí quyển của ngoại hành tinh ở mức độ chi tiết chưa từng có.

Phát hiện 'siêu Trái Đất' mới ngoài Thái Dương Hệ

Chương trình săn hành tinh của NASA sau ba tháng hoạt động đã phát hiện được ba hành tinh và sáu siêu tân tinh nằm bên ngoài Thái Dương Hệ của Trái Đất.

NASA vĩnh biệt robot thám hiểm 'đã chết' sau bão bụi Sao Hỏa

Sau gần 15 năm gửi dữ liệu về Trái Đất, robot thám hiểm sao hỏa Opportunity đã ngừng truyền tín hiệu khoảng tám tháng trước. NASA xác nhận sứ mệnh của Opportunity đã chấm dứt.

Lê Thanh

Bạn có thể quan tâm