Các lãnh đạo chương trình không gian của Israel ngày 5/3 đã công bố những hình ảnh selfie đầu tiên cùng Trái Đất của tàu vũ trụ Beresheet. Bức ảnh được chụp trên Mặt trăng và gửi về trạm kiểm soát sứ mệnh ở Yehud, cách vị trí của tàu vũ trụ gần 37.600 km, theo AFP.
Tàu vũ trụ không người lái Beresheet được phóng từ Mũi Canaveral ở Florida, Mỹ vào ngày 22/2. Sứ mệnh do tổ chức phi chính phủ SpaceIL và Tập đoàn Công nghiệp Hàng không vũ trụ của Israel phối hợp thực hiện.
Hình ảnh selfie được Beresheet chụp lại trên Mặt trăng. Ảnh: AFP. |
Tàu có trọng lượng 585 kg, được đưa lên vũ trụ bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX. Công ty công nghệ của tỷ phú Elon Musk tuần qua cũng sử dụng Falcon 9 để đưa tàu vũ trụ thương mại đầu tiên trên thế giới đến Trạm Không gian Quốc tế (ISS).
Chuyến hành trình của Beresheet dự kiến kéo dài bảy tuần. Tàu vũ trụ không người lái sẽ quay trở về Trái Đất vào ngày 11/4.
Nhiệm vụ chính của sứ mệnh Beresheet là thực hiện hạ cánh thành công trên Mặt trăng. Tuy nhiên, tàu vũ trụ này còn có một số thiết bị đo từ trường, giúp tìm hiểu hơn về quá trình hình thành Mặt trăng.
Tàu còn mang theo một chiếc hộp thời gian, chứa dữ liệu số hóa kinh thánh, tranh vẽ của trẻ em, những bài hát của người Israel, ký ức của một người sống sót qua nạn diệt chủng Do Thái và lá cờ Israel.
Trước Israel, chỉ mới có ba quốc gia là Nga, Mỹ và Trung Quốc có tàu vũ trụ vượt được hành trình 384.000 km từ Trái Đất để hạ cánh trên Mặt trăng.
Tàu vũ trụ không người lái Beresheet trước khi được phóng lên Mặt trăng. Ảnh: SpaceIL. |
Các cường quốc có chương trình không gian phát triển đang dành sự quan tâm trở lại cho Mặt trăng, gần 50 năm sau khi phi hành gia người Mỹ Neil Amstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên vệ tinh của Trái Đất.
Ngày 3/1, Trung Quốc trở thành nước đầu tiên trên thế giới đưa tàu vũ trụ hạ cánh tại "phần tối" của Mặt trăng với sứ mệnh Hằng Nga-4 (Chang'e-4). Nước này cũng từng đưa robot thăm dò lên Mặt trăng thành công vào năm 2013.
Ấn Độ đang đặt tham vọng trở thành nước thứ năm đưa tàu vũ trụ lên Mặt trăng trong đầu năm 2019 với sứ mệnh Chandrayaan-2. Nhật Bản cũng dự tính trong năm 2020 hoặc 2021 sẽ đưa robot thăm dò lên Mặt trăng để nghiên cứu khu vực núi lửa cổ xưa.
Trong khi đó, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) của Mỹ đang lên kế hoạch xây dựng một trạm không gian quy mô nhỏ trên quỹ đạo của Mặt Trăng. Dự án mang tên Gateway có thể được tiến hành vào năm 2026, làm tiền đề cho sứ mệnh tàu vũ trụ có người lái đến sao Hỏa trong thập niên kế tiếp.