Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) ngày 13/2 xác nhận sứ mệnh khám phá sao Hỏa của robot Opportunity đã kết thúc. Các nhà khoa học ghi nhận sứ mệnh đã giúp thay đổi nhận thức của nhân loại về sao Hỏa và cả Trái Đất.
Robot có kích thước chỉ bằng một chiếc xe sân golf ngừng truyền tín hiệu về Trái Đất khoảng tám tháng trước. Dữ liệu cho thấy robot trước đó kẹt trong một cơn bão bụi có quy mô toàn hành tinh.
Robot thám hiểm Sao Hỏa Opportunity hạ cánh trên "hành tinh đỏ" vào năm 2004. Ảnh: NASA. |
Trong thông báo về việc kết thúc sứ mệnh Opportunity, Thomas Zurbuchen, đồng quản lý Bộ phận Sứ mệnh Khoa học tại NASA, cho biết các nhà khoa học đã thử kết nối với robot lần cuối cùng vào ngày 12/1. Tuy nhiên, Opportunity vẫn im lặng không hồi đáp.
"Tất cả những điều chúng ta làm và tư duy về mối liên hệ liên hành tinh, với Sao Hỏa và những hành tinh khác, đều có liên quan đến các nghiên cứu và đột phá công nghệ của Opportunity", Zurbuchen nhấn mạnh trong buổi họp báo ở Pasadena, California.
Robot mang tên "Cơ hội" hạ cánh trên bề mặt Sao Hỏa vào tháng 1/2004. Trước đó không lâu, một phiên bản "song sinh" của nó là Spirit cũng đã hạ cánh xuống Sao Hỏa. Spirit bị kẹt trong bùn vào năm 2009 và được tuyên bố kết thúc sứ mệnh vào năm 2011.
Khác với người anh em song sinh, Opportunity đã bền bỉ di chuyển trên bề mặt Sao Hỏa và gửi vô số dữ liệu về Trái Đất. Robot này hoạt động như một nhà địa chất học từ xa. Nó được thiết kế chỉ để di chuyển 1.006 m và tồn tại 90 ngày trên Sao Hỏa. Thực tế bỏ xa mọi kỳ vọng khi Opportunity hoạt động trong 15 năm và di chuyển hơn 45 km.
John Callas, người quản lý dự án Xe Khám phá Sao Hỏa của NASA, gọi chuyến hành trình của Opportunity là một "hiện tượng" thần kỳ.
"Chúng tôi từng dự đoán rằng bụi trong không khí sẽ tích tụ trên pin mặt trời của robot và cắt nguồn điện của nó. Điều chúng tôi không ngờ là gió đủ mạnh để thổi hết bụi. Nó giúp robot sống sót qua mùa đông đầu tiên và những mùa đông tiếp theo", Callas nhận định.
Những dòng lệnh cuối cùng được các nhà khoa học NASA cố gắng gửi đến Opportunity vào đêm 12/2. Ảnh: Twitter/ Tanya Harrison. |
Trận bão bụi kết liễu Opportunity được mô tả là có quy mô "lịch sử", theo Abigail Fraeman, nhà khoa học cấp cao của chương trình Xe Khám phá Sao Hỏa. Cơn bão khiến bề mặt Sao Hỏa chìm vào bóng tối trong thời gian dài. Robot không thể tiếp cận ánh sáng Mặt Trời và những tấm pin mặt trời không thể sạc lại.
Nỗ lực liên lạc lần cuối với Opportunity, được các nhà khoa học đặt biệt danh là "Oppy", đã diễn ra đầy cảm xúc tại NASA vào đêm 12/2.
"Đã có nước mắt. Đã có những cái ôm. Chỉ còn kỷ niệm và những tiếng cười. Cảm ơn Oppy. Chúc ngủ ngon Oppy", Tanya Harrison, nhà nghiên cứu hành tinh, mô tả.
"Đó là thời khắc mọi người vừa vui mừng vì những gì đã đạt được và ý nghĩa to lớn trong nỗ lực khám phá sao Hỏa, vừa xen lẫn những đau buồn khi đã mất đi một người bạn", Andrew Coates, nhà nghiên cứu hành tinh tại Phòng thí nghiệm Khoa học Vũ trụ Mullard thuộc Đại học London, chia sẻ.