Theo AP, Eric Rignot, nhà khoa học chuyên nghiên cứu băng đã dẫn đầu nhóm nghiên cứu của Đại học California, Irvine (UCI) vừa công bố báo cáo tại Viện Khoa học Quốc gia Mỹ. Báo cáo cho thấy tốc độ tan băng ở Nam cực đang nhanh gấp 6 lần tốc độ hồi những năm 1980.
Các nhà khoa học sử dụng những hình ảnh được chụp từ máy bay, từ vệ tinh và giả lập máy tính để theo dõi tốc độ tan băng ở 176 khu vực tại Nam cực kể từ năm 1979. Kết quả cho thấy lượng băng mất đi gia tăng đáng kể, và được cho là dấu hiệu của tình trạng trái đất nóng lên do con người gây ra.
Giá băng Getz tại Nam cực trong một bức hình năm 2016 được cung cấp bởi NASA. Ảnh: AP. |
Báo cáo nhận định từ năm 2009, Nam cực đã mất khoảng 278 tỷ tấn băng (252 tỷ mét khối) mỗi năm. Vào những năm 1980, số băng tan chảy ở khu vực này chỉ là 44 tỷ tấn (40 tỷ mét khối) mỗi năm. Tốc độ tan băng hiện tại đang cao hơn 15% so với con số được công bố trong một báo cáo đưa ra vào năm ngoái.
Ông Rignot cho biết khác biệt lớn nhất là những hình ảnh vệ tinh trong nghiên cứu của ông được chụp ở phía đông châu Nam cực, một khu vực từng được cho là có khối lượng băng ổn định.
Theo nghiên cứu của ông Rignot, khu vực này đang mất đi 56 tỷ tấn băng mỗi năm. Một nghiên cứu năm ngoái được thực hiện bởi nhiều nhóm nhà khoa học đã kết luận lượng băng mất đi gần đây ở phía đông châu Nam cực là rất ít, thậm chí đã có giai đoạn gia tăng trong quá khứ.
Băng tan ở phía Tây châu Nam cực và khu vực bán đảo Nam cực chiếm khoảng 80% số lượng băng tan ở lục địa này. Ông Rignot cho biết việc băng ở phía đông tan sẽ "làm tăng nguy cơ mực nước biển dâng cao nhiều mét (hơn 3 mét) trong thế kỷ tới"