Ngày 10/10, Hội nghị đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu do Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đồng chủ trì sáng nay diễn ra tại Hà Nội.
“Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn chủ động và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường Lê Công Thành phát biểu tại buổi khai mạc.
Những thay đổi "chưa từng thấy"
Tại sự kiện, Chủ tịch IPCC Hoesung Lee chia sẻ Báo cáo đặc biệt của IPCC về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C và các vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu (gọi tắt là Báo cáo 1,5 độ C).
“Việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu 1,5 độ C sẽ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng thấy trong tất cả các khía cạnh của xã hội”, ông Lee khẳng định.
“Với lợi ích rõ ràng đối với người dân và hệ sinh thái tự nhiên, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5 độ C so với 2 độ C có thể đi đôi với việc đảm bảo một xã hội bền vững và công bằng hơn”, ông nêu rõ.
Chủ tịch IPCC Hoesung Lee phát biểu về Báo cáo đặc biệt của IPCC về tác động của việc ấm lên toàn cầu 1,5 độ C. Ảnh: N.H. |
Theo báo cáo, sự khác biệt về tác động môi trường giữa ngưỡng 1,5 độ C và 2 độ C cao hơn kỷ nguyên tiền công nghiệp là vô cùng lớn.
Với mức 1,5 độ C, gia tăng mực nước biển toàn cầu vào năm 2100 sẽ thấp hơn 10 cm. Khả năng Bắc Băng Dương không có băng vào mùa hè sẽ chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ, thay vì một lần trong một thập niên. Các rạn san hô trên toàn cầu sẽ giảm từ 70-90% nhưng không bị xóa sổ hoàn toàn.
Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia của UNDP, cho biết: “Báo cáo của IPCC đã nhấn mạnh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu mà có thể tránh được bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu thêm 1,5 độ C nhưng thời gian hành động sắp hết”.
“Đổi mới khí hậu là điều cần thiết, giống như cải cách kinh tế toàn diện Việt Nam đã triển khai từ 40 năm trước để giảm phát thải khí nhà kính và tạo công ăn việc làm xanh, hướng đến một xã hội có sức chống chịu và bền vững hơn”, bà nói.
Theo bà Wiesen, chi phí hành động ngay lập tức sẽ thấp hơn nhiều so với chi phí khắc phục. “Nếu không hành động nhanh, chúng ta sẽ mất khoảng 320 tỷ USD và thiệt hại về con người”.
Báo cáo 1,5 độ C là công trình nghiên cứu của 91 tác giả từ 44 quốc tịch, và 133 tác giả đóng góp. Kết quả nghiên cứu sẽ thông báo cho Đối thoại Talanoa tại Hội nghị lần thứ 24 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP24). Đối thoại Talanoa nắm giữ các nỗ lực tập thể của các bên liên quan hướng tới mục tiêu dài hạn của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về những quan ngại đối với việc Mỹ đã rút khỏi Thỏa thuận Paris, Chủ tịch IPCC khẳng định: “Mỹ đã tham gia vào phê duyệt của báo cáo đặc biệt, và cũng tham gia quá trình xây dựng báo cáo rất tích cực. Điều quan trọng là tất cả chính phủ thành viên đều đồng thuận với kết quả báo cáo này.”
Cháy rừng tại California hồi tháng 8 được cho là một trong những biểu hiện của biến đổi khí hậu. Ảnh: Getty. |
Nguy cơ 40% Đồng bằng sông Cửu Long ngập vĩnh viễn
Về biểu hiện của biến đổi khí hậu tại Việt Nam, GS.TS. Trần Thục, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, cho biết nhiệt độ trung bình cả nước tăng 0,62 độ C từ năm 1985-2014. Số ngày nắng nóng gia tăng đáng kể, số đêm lạnh giảm, đồng thời xuất hiện những đợt lạnh bất thường.
“Thời tiết cực đoan xuất hiện khắp cả nước. Nhiều nơi úng ngập nghiêm trọng trong lúc hạn hán Nam Trung Bộ và Tây Nguyên xảy ra thường xuyên hơn. Số cơn bão mạnh có xu hướng gia tăng. Mực nước biển dâng 3,1 mm/năm”, ông nói.
Theo ông, Việt Nam dự tính với kịch bản trung bình, nhiệt độ trung bình sẽ tăng 1,9-2,4 độ C so với 1986-2005, nước biển dâng khoảng 36-80 cm. Còn trong kịch bản cao, nhiệt độ trung bình cả nước có thể tăng 3,3-4 độ, nước biển dâng 52-107 cm.
“Trong kịch bản cao, với mực nước biển dâng 1m, khoảng 40% Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập vĩnh viễn”, ông cảnh báo.
GS.TS. Trần Thục (thứ hai từ trái sang) cùng các đại biểu trong buổi họp báo hôm 10/10. Ảnh: N.H. |
Theo Báo cáo 1,5 độ C, lượng ô nhiễm khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2030 cần được cắt giảm 45% so với lượng khí thải năm 2010 và phải đạt “tổng bằng 0” vào năm 2050.
Mục tiêu Việt Nam đặt ra là cắt giảm 8% tổng lượng phát thải vào năm 2030 và 25% nếu có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Dù Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như công nghệ carbon thấp có sẵn nhưng đắt, nguồn lực có hạn, ông Trần Thục khẳng định Việt Nam có nhiều thuận lợi để ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó phải kể đến ý chí của lãnh đạo các cấp, sự hỗ trợ từ các đối tác, kinh nghiệm phòng chống thiên tai và hệ thống giáo dục, y tế góp phần nâng cao nhận thức.
Cùng với việc phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, gồm 68 nhiệm vụ, trọng tâm tập trung vào việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Dự kiến năm 2019, Việt Nam hoàn thành rà soát cập nhật NDC trình ban thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu.