Sau khi Kỷ Băng Hà gần nhất kết thúc cách đây khoảng 10.000 năm, băng tan, nước biển dâng, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng hơn 7 độ C và cùng với đó, hệ sinh thái trên Trái Đất biến đổi hoàn toàn.
Rừng mọc lên ở khu vực từng là đất cằn phủ băng nhưng cũng có nơi những cây thông bị thế chỗ bởi bụi sồi. Cùng lúc đó, nhiều đồng cỏ xavan biến thành sa mạc. Nhiệt độ càng tăng cao tại khu vực nào thì ở đó hệ sinh thái biến đổi càng mạnh mẽ.
Những hiện tượng này sẽ lặp lại, các nhà khoa học cảnh báo trên tạp chí Science hôm 30/8. Theo nghiên cứu mới được công bố, hệ sinh thái trên Trái Đất có nguy cơ đe dọa lẫn nhau. Quá trình này thậm chí sẽ diễn ra nhanh hơn nếu con người không hành động để ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Năm 2017, cháy rừng lan nhanh tại Nam California, gây thiệt hại hơn 100.000 hecta. Các nhà khoa học cảnh báo đây là một trong những biểu hiện của biến đổi khí hậu làm thay đổi hệ sinh thái. Ảnh: Washington Post. |
“Là người dành hơn 40 năm nghiên cứu sự biến đổi của hệ thực vật, tôi vẫn thấy thật khó để tưởng tượng được mức độ nghiêm trọng của sự thay đổi mà chúng ta đang nói tới”, Stephen Jackson, tác giả dẫn đầu nghiên cứu, chia sẻ. Ông cũng là giám đốc Trung tâm Khoa học Thích ứng Khí hậu Tây Nam thuộc Cục Khảo sát Địa chất Mỹ.
Không chỉ mất đi một rừng thông
Theo Jackson, quá trình thay đổi hệ sinh thái đã bắt đầu diễn ra. Ở miền Tây Nam Mỹ, cháy rừng dữ dội đang phá hủy rừng thông nhiều năm tuổi. Nhiệt độ tăng cao đi kèm hạn hán kéo dài cũng gây trở ngại đối với quá trình tái tạo rừng.
“Thế vào chỗ của rừng thông đầy bóng râm, thoáng mát và tươi đẹp giờ là những bụi sồi kín đặc cao hơn 1m. Vậy nên, khi bạn leo núi theo con đường xuyên qua nơi rừng thông xơ xác, những cây bụi không thể cho bạn bóng mát”, Jackson chia sẻ.
Khói bốc lên tại rừng ở khu vực Sarna, Thụy Điển trong đợt nắng nóng tại châu Âu năm 2018. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, chuyến leo núi nóng nực chỉ là một trong số những hậu quả nhẹ hơn của sự thay đổi thảm thực vật. Theo Jackson, bóng râm của rừng thông giúp giữ lại tuyết trước khi mùa hè bắt đầu. Tuyết tan sẽ cung cấp lượng nước thiết yếu để duy trì sông, suối cho các loài động thực vật, nông trại và cả các thành phố. Do vậy, tình trạng mất rừng có nguy cơ kích hoạt hiệu ứng domino ảnh hưởng khắp lưu vực sông, làm thay đổi cảnh quan mọi nơi từ núi tới biển.
“Những sự thay đổi mà chúng ta đang nói tới có thể làm gián đoạn cuộc sống của tất cả người dân. Họ muốn di cư đi nơi khác. Họ không còn sống được bởi môi trường xung quanh đã thay đổi hoàn toàn chỉ trong vài thế hệ”, nhà cổ sinh thái học Scott Wing nhận định.
Từ lạnh đến ấm và nóng hơn
Jackson đã dành gần 4 thập kỷ để nghiên cứu sự biến đổi của hệ sinh thái cách đây 10.000-20.000 năm, khi Trái Đất chuyển từ Kỷ Băng Hà sang thời kỳ gian băng hiện tại. Ông đoán rằng không nơi nào trên Trái Đất còn nguyên vẹn qua thời kỳ biến động đó và bắt đầu công cuộc đi tìm bằng chứng thực tế.
Jackson tập hợp hơn 30 chuyên gia về hệ sinh thái trên toàn cầu để nghiên cứu sự thay đổi của thảm thực vật sau Kỷ Băng Hà gần nhất.
Rất nhanh sau đó, “mối liên hệ hiện ra rõ nét”, Connor Nolan, nhà khoa học dẫn dắt quá trình phân tích, cho biết. Tại những khu vực mức nhiệt tăng cao, đặc biệt là Bắc Mỹ và châu Âu, hệ thực vật có sự thay đổi lớn. Trái lại, ở vùng gần xích đạo với sự thay đổi nhiệt độ vừa phải, một số hệ sinh thái còn tương đối vẹn nguyên.
Theo Wing, kết quả nghiên cứu không phải điều gì mới. Từ khi các nhà khoa học bắt đầu tìm hiểu về hóa thạch, hệ thực vật đã được cho là có mối liên hệ với khí hậu.
Dù vậy, ông đánh giá: “Đây là một nghiên cứu vô cùng hữu ích bởi nó tổng hợp và tóm gọn nhiều thông tin. Nhìn vào dữ liệu, ta hiểu được quy mô rộng lớn của những thay đổi sắp xảy ra".
Trái Đất sẽ đi về đâu?
Trong viễn cảnh lạc quan nhất, thay đổi lớn trong cấu trúc của hầu hết hệ sinh thái có khả năng sẽ không diễn ra, nhưng chỉ với điều kiện con người quyết liệt giảm phát thải carbon và giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu ở khoảng 1 độ C.
Còn trong mọi trường hợp khác, sự biến đổi của hệ sinh thái là kết cục tất yếu, đặc biệt khi tình trạng phát thải carbon tiếp diễn. Theo báo cáo về biến đổi khí hậu do Liên Hợp Quốc công bố đầu tháng 8, mức tăng nhiệt toàn cầu gần như chắc chắn sẽ vượt quá 1,5 độ C vào những năm 2040.
Lượng carbon phát thải có thể biến Trái Đất thành nhà kính khổng lồ trong vài chục năm nữa. Ảnh: Getty. |
Hiện tượng này giống như sự thay đổi nhiệt độ từng ghi nhận được trong lịch sử, “nhưng thay vì từ lạnh đến ấm, chúng ta đang chuyển tiếp từ ấm đến nóng hơn và quá trình này diễn ra nhanh hơn bất cứ điều gì Trái Đất từng trải qua trong quá khứ”, Nolan nhận định.
“Tôi thấy lo ngại mỗi khi nghĩ về việc sự thay đổi sẽ diễn ra rộng và nhanh như thế nào trong khi chúng ta gần như không thể dự đoán chính xác chiều hướng của nó. Điều này tạo ra thách thức rất lớn trong nỗ lực kiểm soát động thực vật hoang dã, cũng như quản lý đất, nước và mọi tác động khác của hệ sinh thái đối với con người”, Washington Post dẫn lời Jackson.
Cả ba nhà khoa học đều đồng ý rằng việc dự đoán chính xác chiều hướng thay đổi của từng hệ sinh thái trong vài năm tới là rất khó. Biến đổi khí hậu ngày nay diễn ra nhanh hơn giai đoạn sau Kỷ Băng Hà. Hơn nữa, tình trạng hệ sinh thái bị phá vỡ do nhiệt độ tăng cao còn là kết quả tổng hợp của hàng loạt hoạt động do con người gây ra, trong đó có ô nhiễm và phá rừng.
“Sự tổng hợp đặc biệt đó là một điều đáng sợ. Nó tạo sức ép lớn lên khả năng thích ứng của tự nhiên và có lẽ loài người cũng sẽ phải dần thích nghi”, Jackson cảnh báo.