Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nắng nóng thiêu đốt ở Mỹ, công nhân sợ chết giữa công trường

Nhiều người Mỹ sống ở Bờ Tây, như công nhân xây dựng, không có lựa chọn nào khác ngoài trực tiếp đối mặt nắng nóng gần 50 độ, cùng với đó là nguy cơ tổn thương sức khỏe trầm trọng.

nang nong My anh 1

Cover

Những ngày qua, đợt nóng khắc nghiệt hiếm thấy tấn công Bờ Tây nước Mỹ, làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục triệu người. Các bác sĩ cảnh báo nguy cơ bỏng, đôi khi là nghiêm trọng, với những người không may để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với bề mặt môi trường.

Thành phố Phoenix, bang Arizona đã 5 ngày liên tiếp có nhiệt độ từ khoảng 47 độ C trở lên. Hôm 17/6, nơi này ghi nhận nhiệt độ không khí cao nhất trong ngày là 48 độ C. Nhiệt độ trên thực tế ở các bề mặt đường bê tông có thể còn cao hơn, theo New York Times.

Sợ chết trong lúc làm việc

Không may mắn như lao động văn phòng, những người công nhân trong ngành xây dựng, làm vườn, hay lao động tự do vẫn phải làm việc dưới cái nóng như thiêu như đốt tại Bờ Tây.

"Da trên cơ thể sẽ long ra, tôi phải che chắn bằng mọi thứ. Đây là công việc tôi phải làm. Tôi không có lựa chọn khác", Juan Gutierrez, một lao động nhập cư tại Phoenix, cho biết.

Nhóm xây dựng của Getierrez bắt đầu công việc từ trước bình minh để tránh phần nào cái nóng. Lúc 7h sáng, nhiệt độ đã là 33 độ C.

nang nong My anh 2

Một công nhân xây dựng làm việc trong nắng nóng gay gắt ở Phoenix. Ảnh: New York Times.

Vài ngày trước đó, một thành viên của đội xây dựng bị chóng mặt và suýt chút nữa ngã từ mái nhà xuống đất.

Tới 12h, nhiệt độ ngoài trời là 44 độ C. Sa mạc khắc nghiệt ở Arizona không có đến thậm chí một cái bụi rậm. Những người công nhân phải co cụm dưới những chiếc xà của ngôi nhà đang xây dở khi họ muốn giải lao.

Tất cả họ đều mặc áo dài tay và đội mũ chùm kín đầu, nhưng không có mấy tác dụng.

Các công nhân xây dựng cho biết họ sợ sẽ ngất xỉu, hay thậm chí chết ngay khi làm việc dưới cái nóng gần 50 độ C. Mỗi người họ được nhận từ 15-20 USD/giờ lao động.

Jose Castro và gia đình mất căn hộ 2 phòng ngủ ở Phoenix, sau khi giá thuê nhà tăng lên mức 1.100 USD/tháng. Giờ đây, gia đình người đàn ông này đang ở tạm tại một garage ôtô không có điều hòa nhiệt độ.

Bản thân Castro sống lang thang từ nhà người thân cho tới lề đường. Castro phải túc trực ở Trung tâm Dịch vụ Người vô gia cư Phoenix để nộp đơn xin nhận trợ cấp căn hộ.

Tới 14h30 chiều, nhiệt độ lên tới đỉnh điểm 48 độ C. Để làm mát trong cái nóng thiêu đốt, Castro xin đá từ cửa hàng tiện lợi và nước đóng chai từ những người hảo tâm.

Nguy cơ bỏng nghiêm trọng

Diễn biến thời tiết cực đoan kéo theo nguy cơ về sức khỏe con người. Khi nhiệt độ môi trường vượt ngưỡng 37 độ C, mặt đường và vỉa hè sẽ bị nung nóng, có thể làm bỏng da trần của con người.

Nhà chức trách Mỹ cảnh báo các bề mặt ngoài môi trường có thể nóng tới 88 độ C, tiềm ẩn nguy cơ gây ra vết bỏng nghiêm trọng dù chỉ tiếp xúc trong một vài giây.

Trong một báo cáo công bố hồi giữa tháng 6 với tiêu đề "Những con đường rực lửa", Trung tâm Bỏng Arizona cho biết họ ghi nhận 104 trường hợp bị bỏng liên quan tới thời tiết trong giai đoạn tháng 6-8 của năm 2020, tăng 49% so với năm 2019. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2000, khi cơ sở y tế này bắt đầu thu thập dữ liệu.

nang nong My anh 3

Mặt đường bị ánh mặt trời nung nóng có thể gây bỏng nghiêm trọng cho con người. Ảnh: Istock

Các chuyên gia y tế của Đại học Nevada cảnh báo viết bỏng do tiếp xúc với mặt đường là hiện tượng không hiếm trong những tháng mùa hè.

"Bỏng do mặt đường chiếm số lượng không nhỏ ca chấn thương bỏng, đặc biệt tại miền Tây Nam của Mỹ. Dưới ánh nắng Mặt trời, mặt đường có thể nóng hơn đáng kể so với nhiệt độ môi trường xung quanh, có thể gây bỏng nghiêm trọng chỉ sau vài giây", ông Jorge Vega, bác sĩ phẫu thuật tại trung tâm y tế Đại học Nevada, nhận xét.

Mức độ bỏng dao động từ 5% đến 25% cơ thể. Năm 2020, 85 người nhập viện vì bỏng do tiếp xúc với mặt đường. Trong số này, 30% cần chăm sóc tích cực và 20% cần sử dụng máy thở.

"Với nhiệt độ lên tới 48 độ C, chúng tôi khuyên người dân đề cao cảnh giác trước mối đe dọa từ mặt đường hay bê tông", bác sĩ Kevin Fost từ Trung tâm Bỏng Arizona cảnh báo.

Hiện tượng bỏng vì tiếp xúc bề mặt môi trường chủ yếu xảy ra với những người có khiếm khuyết về cơ thể, khiến họ không thể nhanh chóng thay đổi tư thế khi tiếp xúc với bề mặt gây bỏng, dẫn tới tổn thương nghiêm trọng.

Không có lựa chọn khác

Để tránh nguy cơ bỏng trong đợt sóng nhiệt, các bác sĩ Mỹ khuyến cáo người dân hạn chế ra đường nếu có thể và ở trong phòng điều hòa. Nhưng tại Arizona, ở trong nhà những ngày này là lựa chọn xa xỉ, thậm chí là bất khả thi, với nhiều người.

Tại Bờ Tây nước Mỹ, giá bất động sản đang bùng nổ trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi hậu đại dịch Covid-19. Ở Phoenix, giá nhà đã tăng khoảng 30% trong năm qua, đang ở mức trung bình 390.000 USD mỗi căn hộ.

Khi tiền thuê nhà tăng lên, nhiều người phải chật vật tìm một chốn nương thân với giá cả phải chăng.

nang nong My anh 4

Nhiều người lâm vào cảnh khó khăn vì đợt sóng nhiệt đến trong bối cảnh giá thuê nhà tăng vọt. Ảnh: New York Times.

Lúc này, khi trận sóng nhiệt tồi tệ hiếm thấy đang hoành hành, tình cảnh càng thêm khó khăn, khi người dân tại Bờ Tây có hai lựa chọn, hoặc chịu cái nóng như thiêu như đốt, hoặc mở điều hòa làm mát và trả hóa đơn tiền điện cao ngất ngưởng cuối tháng.

"Nắng nóng khắc nghiệt khiến các vấn đề xã hội của chúng ta càng hiện lên rõ rệt hơn", bà Melissa Guardaro, phó giáo sư tại Đại học bang Arizona, cho biết.

Khi đợt nóng bất thường ập đến, những người vô gia cư sẽ là nhóm đầu tiên đối mặt nguy cơ về sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Năm 2020, khoảng 50% trong số 323 người chết vì sốc nhiệt ở thành phố Phoenix là người vô gia cư. Và số người vô gia cư đã tăng lên bởi đại dịch.

Tới nay, sóng nhiệt được cho là khiến 20 người thiệt mạng chỉ riêng ở hạt Maricopa - nơi đông dân nhất Arizona. Thời gian khắc nghiệt nhất của mùa hè vẫn còn ở phía trước.

nang nong My anh 5

Trung tâm giải nhiệt ở Phoenix. Ảnh: New York Times.

Phoenix chuẩn bị triển khai tình nguyện viên xuống phố để hướng dẫn những người có nhu cầu đến các trung tâm làm mát. Tại hạt Maricopa, ít nhất 89 trung tâm như vậy đã được lập ra.

Tuy nhiên, Castro nói ông không hề hay biết về những trung tâm làm mát này. Chiếc điện thoại nắp gập đi mượn không giúp Castro tìm được bản đồ hướng dẫn tới nơi có nước sạch miễn phí hay lều giải nhiệt.

Các chuyên gia cho biết đợt sóng nhiệt tấn công bờ Tây khiến nhu cầu nhận sự trợ giúp của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương tăng vọt.

"Chúng ta đối mặt 'cơn bão toàn diện' từ cuộc khủng hoảng thiếu nhà giá rẻ, tỷ lệ mất nhà cao, gánh nặng hóa đơn thanh toán tiền điện, cùng với dịch Covid-19", Stacey Champion, một tình nguyện viên hoạt động vì quyền của các nhóm yếu thế, cho biết.

Nóng xuyên đêm

Khi màn đêm buông xuống, cái nóng gay gắt không hề dịu bớt. Lúc 19h, nhiệt độ ngoài trời vẫn ở mức 45 độ C. Điều này đồng nghĩa điều hòa nhiệt độ cần bật suốt đêm.

John Nyre, 70 tuổi, và Gloria Ellis, 77 tuổi, sống trong những ngôi nhà trên xe kéo. Đợt sóng nhiệt đang hoành hành tại Bờ Tây khiến cả hai mất ăn mất ngủ khi nghĩ về hoa đơn tiền điện cuối tháng.

nang nong My anh 6

Nhiệt độ không giảm nhiều sau khi Mặt trời lặn. Ảnh: New York Times.

Hai người đều cố hạn chế thời gian bật điều hòa, và giữ ở nhiệt độ cao nhất có thể, để giảm tối thiểu chi phí sinh hoạt.

Những người sống trên xe kéo đối mặt nguy cơ tử vong cao. Ông Nyre cho biết một trong những người hàng xóm được tìm thấy đã chết trong nhà vào mùa hè 2 năm trước.

Đa phần họ dành thời gian ở cửa hàng tạp hóa hoặc trung tâm người cao tuổi để làm mát. Tuy nhiên, nhiều địa điểm như vậy đã đóng cửa vì đại dịch.

"Cuộc sống thật không dễ dàng. Chúng tôi không thể làm được gì nhiều", bà Ellis nói.

Lúc 20h, nhiệt độ trung bình tại Phoenix vẫn ở mức khoảng 44 độ C.

Las Vegas biến thành 'lò lửa'

Đợt nắng nóng kinh hoàng ở Las Vegas (Mỹ) đang đe dọa sức khỏe của những người phải làm việc ngoài trời. Đây cũng là lời cảnh báo về biến đổi khí hậu.

Tổng thống Duterte tính cách kéo dài quyền lực

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte để ngỏ khả năng tiếp tục ở lại chính trường, khi ông úp mở về phương án chạy đua chức danh phó tổng thống sau khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại.

Ấn Độ chỉ xuất khẩu vaccine khi người dân trong nước tiêm đủ

Quan chức phụ trách chiến dịch ứng phó Covid-19 của Ấn Độ cho biết chỉ có thể xuất khẩu vaccine trở lại sau khi đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách trong nước.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm