Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nắng nóng đang vượt quá mức chịu đựng của con người

Từ Nam Á đến Mỹ, từ châu Phi đến châu Âu, nắng nóng gay gắt đang vượt quá giới hạn chịu đựng của cơ thể con người.

nhiet do bau uot,  An Do,  song nhiet anh 1

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 18/7 nói rằng nắng nóng và cháy rừng diện rộng cho thấy nhân loại đang "tự sát tập thể" nếu tiếp tục phát triển nhiên liệu hóa thạch, theo Guardian.

Nóng như "tận thế"

"Một nửa nhân loại đang trong vùng nguy hiểm do lũ lụt, hạn hán, bão lớn và cháy rừng. Không quốc gia nào miễn nhiễm, nhưng chúng ta vẫn đang theo đuổi nhiên liệu hóa thạch", ông Guterres nói trong cuộc họp về khủng hoảng khí hậu với; bộ trưởng 40 quốc gia hôm 18/7.

nhiet do bau uot,  An Do,  song nhiet anh 2

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo nhân loại đang "tự sát tập thể" nếu tiếp tục phát triển nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: Reuters.

"Chúng ta có thể lựa chọn, hành động tập thể hoặc tự sát tập thể. Điều đó nằm trong tầm tay chúng ta", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

Cháy rừng diện rộng bùng phát vào cuối tuần ở khắp châu Âu và Bắc Mỹ, với nhiệt độ nhiều khu vực vượt mức 40 độ C. Nắng nóng gay gắt cũng xuất hiện tại Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Nam Á thời gian qua.

Các bản đồ thời tiết của châu Âu gần như đỏ rực, khi mức nhiệt được cho là “thiêu đốt” Tây Ban Nha và Italy, đồng thời gây ra cháy rừng ở Pháp. Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử, Anh phải phát đi cảnh báo đỏ vì tình trạng nắng nóng.

Tại Pháp, giới chức trách đã phải phát đi cảnh báo khi đợt nắng nóng bao trùm đất nước đã lên đến đỉnh điểm.

“Ở một số khu vực phía tây nam, đó sẽ là một ngày tận thế vì nhiệt độ cao”, nhà khí tượng học Francois Gourand nói với AFP.

nhiet do bau uot,  An Do,  song nhiet anh 3

Nhân viên cứu hỏa đang nỗ lực ngăn chặn đám cháy lan rộng ở Louchats, Gironde, phía tây nam nước Pháp. Ảnh: AFP.

Các bộ trưởng ở nhiều quốc gia sẽ họp 2 ngày tại Đối thoại Khí hậu Petersberg ở Berlin, Đức. Đây là sự kiện thường niên được tổ chức để các quốc gia tìm ra những điểm chung trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP). COP27 sẽ diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11.

Tuy vậy, triển vọng về COP27 đang bị đặt dấu hỏi khi các chính phủ đang phải chạy đua với tình trạng giá năng lượng và thực phẩm tăng cao. Giới quan sát cũng không đánh giá cao kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu của chủ nhà COP27 Ai Cập.

Tổng thư ký Antonio Guterres cũng chỉ trích "các ngân hàng phát triển đa phương", các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới đã không thể hiện rõ trách nhiệm khi đối mặt với các vấn đề khí hậu, và nên được cải tổ.

"Như có một bức tường lửa bao vây mà không thể thoát ra"

Tháng 4/1905, nhà khoa học J.S.Haldane đã xuống mỏ thiếc Dolcoath ở Cornwall, Anh sâu hàng trăm mét để thí nghiệm xem nhiệt độ dưới đó có thể "nấu chín" ông hay không.

Giới nghiên cứu từ lâu đã biết con người có thể chịu được nhiệt khô một cách phi thường. Kết quả của một thí nghiệm vào thế kỷ XVIII cho thấy con người có thể chịu được mức nhiệt lên tới 115 độ C, đủ để nấu chín bít tết.

Nhưng mỏ Dolcoath được đào xuyên qua một lớp đá nóng sâu dưới mực nước ngầm, nên có không khí ẩm bão hòa. Mặc dù nhiệt độ không khí lúc đó không quá 31,5 độ C, thân nhiệt và mạch của Haldane lại tăng lên từng phút, chạm ngưỡng sốt trước khi ông ấy ra khỏi đó sau 3 tiếng. Ông từng viết: “Một người bình thường không thể ở trong đó quá lâu” khi phân tích về nhiệt độ ẩm ướt tăng trên 31 độ C.

Nhiều năm qua, phát hiện này không thay đổi nhưng khí hậu lại ấm dần lên, đem theo hơi ẩm giống như trong phòng tắm hơi và dưới hầm mỏ sâu. Chỉ cần vài giờ trong điều kiện nhiệt độ bầu ướt trên 35 độ C, có bóng râm và nước uống vô hạn thì ngay cả những người khỏe mạnh sẽ chết vì say nắng.

Nhiệt độ bầu ướt là nhiệt độ thấp nhất mà một vật có thể tự làm mát khi độ ẩm bốc hơi hết.

Brajabandhu Sahu, bán bánh dạo ở bang Odisha, miền Đông Ấn Độ, biết rõ cảm giác đó. Anh nói rằng đôi khi anh cảm thấy như có một bức tường lửa bao vây mà không thể thoát ra. Vào những ngày nóng đỉnh điểm, anh bị chóng mặt, trống ngực, rộp da và buồn nôn từng đợt liên tục.

nhiet do bau uot,  An Do,  song nhiet anh 4

Một người bán hàng rong dưới trời nắng thiêu đốt. Ảnh: Bloomberg.

Ở Ấn Độ, độ ẩm không khí tăng trước khi nền nhiệt giảm, tích tụ thành gió mùa vào giữa tháng 6. Nút giao nhiệt này rất nguy hiểm cho sức khỏe. Nhiệt độ ở Bhubaneswar đạt 37 độ C và độ ẩm gần 80% vào tháng trước. Nếu cả hai cực đại này xảy ra đồng thời, mức nhiệt đó tương đương với nhiệt độ bầu ướt gần 34 độ C.

Hiện tượng "nhiệt độ bầu ướt" cao đang đe dọa cuộc sống của người dân nơi đây.

Tại Trung tâm Y tế Cộng đồng Mangalpur, các bác sĩ đã mở một phòng khám dành riêng cho người bị say nắng, thậm chí họ còn bất tỉnh hoặc mất phương hướng, để giúp cân bằng thân nhiệt. Họ chủ yếu là nông dân làm việc trên đồng ruộng quá lâu. Mặc dù tỷ lệ đổ bệnh cao, hầu hết người dân không nhận thức được vấn đề này.

Không riêng Ấn Độ, một đợt nóng bất thường lan rộng từ Bắc Phi qua châu Âu vào mùa hè này, đã đẩy nhiệt độ ở một số vùng của Tây Ban Nha và Pháp cao hơn 10 độ C so với mức trung bình theo mùa và phá vỡ các kỷ lục tháng. Vào giữa tháng 6, 1/3 người dân Mỹ đã trải qua mức nhiệt khủng khiếp trên 37 độ C.

Hiện tượng nhiệt độ bầu ướt

Vấn đề là khoa học có quá ít thông tin về hiện tượng nhiệt độ bầu ướt. Khác với nhiệt độ khô và độ ẩm tối đa, các phép đo bầu ướt theo giờ chưa phải thông tin tiêu chuẩn do các cơ quan khí tượng quốc gia cung cấp.

Theo một nghiên cứu năm 2010, không khí có một “mức trần biểu kiến” về nhiệt ẩm, bởi khi nhiệt độ quá cao, chúng sẽ gây ra bão, làm mát không khí lại. Năm 2003, một cách tình cờ tại cảng dầu Dhahran của Saudi Arabian, bầu ướt đạt 35 độ C. Hiện tượng nhiệt độ bầu ướt chạm ngưỡng 35 độ C "chưa từng diễn ra trong khí hậu hiện tại".

Ba năm trước, Colin Raymond - khi đó đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Columbia, Mỹ nhận thấy những giả thuyết đó đều có vấn đề. Các nghiên cứu ấy đều kết hợp việc quan sát thời tiết theo một mô hình lý thuyết về khí hậu để tạo ra bản đồ kèm các điều kiện ước tính, tương tự dự báo thời tiết. Không ai phân tích dữ liệu thu được từ các trạm thời tiết. Công cụ đo đạc kém nên khó tính toán chính xác.

Kết quả nghiên cứu của ông chỉ ra một thực tế: Mức nhiệt ẩm trên 35 độ C đã xảy ra, từ Vịnh Ba Tư, Biển Đỏ đến Pakistan, Ấn Độ, Australia, Venezuela và bờ biển của Mexico. Tuy nhiên, nhiều người phủ nhận kết luận của Raymond.

nhiet do bau uot,  An Do,  song nhiet anh 5

Đồ họa: Bloomberg.

Ấn Độ vừa trải qua tháng 3 nóng nhất lịch sử sau 122 năm. New Delhi ghi nhận nhiệt độ tối đa là 42 độ C trong ít nhất 26 ngày, một vài khu vực khác còn đạt 49 độ C. Khắp cả nước, nhiệt độ cũng tăng trên mức trung bình. Ở dãy Himalaya, tuyết tan sớm, vụ lúa mì héo khô và lượng mưa gió mùa thấp hơn 32% so với mức bình thường.

Mahesh Palawat, Phó chủ tịch khí tượng và biến đổi khí hậu của Skymet Weather cho biết New Delhi đã đạt đến ngưỡng bầu ướt nhiều lần trong khoảng thời gian ngày 24/5-1/6, trong khi ở Odisha thậm chí còn khủng khiếp hơn: Bang đã rơi vào các giai đoạn nguy hiểm ngày 16-17/5, 22-23/5 và 5-12/6.

Cục Khí tượng Ấn Độ không có thông tin công khai về nhiệt độ bầu ướt, các cảnh báo sóng nhiệt của họ không đề cập đến mối nguy hiểm đặc biệt, kèm theo sự kết hợp của nhiệt độ cao và độ ẩm.

Quá giới hạn của con người

Đổ mồ hôi là các cơ thể con người giữ mát. Tuy nhiên, việc này cũng có giới hạn. Khi độ ẩm và nhiệt độ quá cao, không khí trở nên quá bão hòa, thì mồ hôi cũng không thể bay hơi. Không thể hạ nhiệt, con người sẽ nhanh chóng bị say nắng và tử vong.

nhiet do bau uot,  An Do,  song nhiet anh 6

Con người có thể đột quỵ do nhiệt nếu không thể đổ mồ hôi. Đồ họa: Bloomberg.

Sóng nhiệt có thể là hiện tượng nguy hiểm nhất trong thế kỷ XXI so với các thảm họa khác như lốc xoáy, lũ lụt. Chandni Singh, nhà nghiên cứu khí hậu của Viện Định cư Con người Ấn Độ ở Bengaluru, cho biết: “Nắng nóng là một thảm họa trong thầm lặng”.

Những khu vực bị tác động nặng nề nhất là Nam Á, nơi có hơn một tỷ người sinh sống nhưng chưa đến 10% sử dụng máy lạnh để làm mát. Nhiều người còn không có nhà để tránh cái nóng gay gắt vào ban ngày.

Theo ước tính, một nửa số hộ gia đình ở Ấn Độ và 3/4 số hộ gia đình ở Pakistan vẫn sẽ không đủ khả năng mua máy lạnh vào năm 2050.

Máy lạnh chỉ dành cho những người có tiền, nhưng lại phả khí nóng ra đường. Chúng đòi hỏi lượng điện năng lớn, mà ở Ấn Độ, năng lượng điện chủ yếu bằng nhiên liệu hóa thạch.

Ấn Độ đã phải cắt điện, có 60% số nhà bị mất điện trong những ngày nóng đỉnh điểm vào tháng 5. Hơn nữa, các nhà máy nhiệt điện cần phải tự hạ nhiệt, một thách thức ngày càng khó hơn khi nhiệt độ bầu ướt tăng lên.

Xáo trộn nền kinh tế

Một đợt sóng nhiệt mạnh như ở Ấn Độ 2 tháng qua không chỉ làm con người kiệt quệ mà còn làm quá tải lưới điện, khiến các nhà máy điện đóng cửa, mùa màng thất bát và cản trở khả năng tăng trưởng của các nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Mức nhiệt của tháng 5 dự kiến khiến Ấn Độ cắt giảm sản lượng lúa mì hàng năm khoảng 6 triệu tấn, gây thêm áp lực lên thương mại toàn cầu vốn đã bị gián đoạn bởi cuộc chiến ở Ukraine.

Trên thực tế, những quốc gia đó có rất ít trách nhiệm về những đợt nắng nóng như thế này. Ấn Độ chỉ thải 3,7% lượng khí thải, ít hơn so với Đức. Với Pakistan chỉ là 0,36%, ít hơn so với Bỉ.

nhiet do bau uot,  An Do,  song nhiet anh 7

Một ngươi nông dân đang dội nước mát trên một cánh đồng ở Ludhiana, Punjab, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg.

Dẫu vậy, việc phát triển kinh tế có nguy cơ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Tưới tiêu làm giảm nhiệt độ không khí khô và tăng cường sản xuất nông nghiệp, nhưng lại khiến nhiệt ẩm tăng, tạo ra một lượng hơi ẩm lớn lên bầu khí quyển. Đó là một lý do khiến các vùng đồng bằng giữa sông Ấn và sông Hằng ở Pakistan và Ấn Độ rơi vào tình trạng nguy hiểm. Các bang ven biển hoặc các trang trại được tưới tiêu chiếm phần lớn diện tích Ấn Độ đã có tỷ lệ tử vong trên mức trung bình, đặc biệt là khi xét theo mức thu nhập.

Một kịch bản được đưa ra là thế giới sẽ có những tháng có nhiệt độ khô vào ban ngày từ 40 độ C trở lên và không dưới 30 độ C vào ban đêm, liên tục trong một thời điểm. Điều này không cho cơ thể con người được hạ nhiệt.

Tích lũy, ảnh hưởng của tất cả điều kiện này xảy ra cùng nhau sẽ tồi tệ hơn khi xảy ra riêng rẽ.

Thật khó để dự đoán có bao nhiêu người tử vong vì những điều kiện như thế này, khi các số liệu thống kê sinh tử quan trọng ở Ấn Độ đều có chất lượng kém. Ước tính 89.000 người chết hàng năm ở Ấn Độ vì nắng nóng, thấp hơn một cách ngỡ ngàng so với 632.000 người chết vì lạnh. Chính phủ, như thường lệ, hầu như không giúp ích gì để hỗ trợ người dân. Họ phải tự tìm cách để sinh tồn.

Thế giới đang trải qua năm thứ ba liên tiếp của La Niña, hiện tượng làm khí hậu mát mẻ cho Ấn Độ. Chưa có một đợt El Niño mạnh nào kể từ năm 2016, nhưng chắc chắn khi nó đến, nó sẽ kéo theo hiện tượng nhiệt độ bầu ướt cao kỷ lục.

Nhiều nước châu Âu biến thành lò lửa Cháy rừng đã bùng phát tại nhiều quốc gia châu Âu trong tuần khi khu vực này hứng chịu đợt nắng nóng mới, với nhiều nước ghi nhận nhiệt độ kỷ lục.

Nắng nóng ở Ấn Độ và Pakistan có thể xảy ra thường xuyên hơn

Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu khiến khả năng xảy ra những đợt nắng nóng kỷ lục ở khu vực tây bắc Ấn Độ và Pakistan cao gấp 100 lần.

Oằn mình giữa 'địa ngục trần gian' ở Ấn Độ

Một đợt nắng nóng nghiêm trọng đang quét qua miền Bắc Ấn Độ với nhiệt độ lên tới 49,2 độ C tại một số khu vực ở thủ đô New Delhi. Những lao động ngoài trời là người cực khổ nhất.

Bảo Châu - Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm