Các bản đồ thời tiết của châu Âu gần như đỏ rực, khi mức nhiệt được cho là “thiêu đốt” Tây Ban Nha và Italy, đồng thời gây ra cháy rừng ở Pháp. Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử, Anh phải phát đi cảnh báo đỏ vì tình trạng nắng nóng.
Tại Italy, bên cạnh nắng nóng, nước này cũng đang chống chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm. Hai nhà máy thủy điện đã phải đóng cửa vì thiếu nước, theo New York Times.
Serena Vendoni, 57 tuổi, một thợ làm tóc đang cùng gia đình thăm Rome, cho biết: “Trời quá nóng nên không thể đi dạo vào ban ngày". Ngay cả khi ở trong nhà, bà cho biết vẫn cảm thấy nóng bức.
"Chúng tôi đã bật điều hòa suốt ngày đêm trong gần hai tháng nay”, bà nói, đồng thời cho biết hóa đơn tiền điện của gia đình đã tăng vọt vì nhiệt độ hiếm khi dưới 30 độ C trong nhiều tuần. Và ở Tây Ban Nha, đợt nắng nóng đã bước sang ngày thứ 8, với 30 đám cháy rừng bùng lên khắp đất nước.
Giống như nhiều nơi khác trên thế giới, châu Âu đang chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn, một phần do biến đổi khí hậu.
Đợt nắng nóng này đã nhấn chìm các khu vực phía tây nam châu Âu trong nhiều tuần. Những đám cháy ở Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã phá hủy hàng nghìn ha đất, cũng như buộc hàng nghìn người dân phải di tản.
"Ngày tận thế"
Pháp đã phải phát đi cảnh báo khi đợt nắng nóng bao trùm đất nước đã lên đến đỉnh điểm, giữa lúc các đám cháy rừng hoành hành ở nhiều vực phía tây nam châu Âu không có dấu hiệu dịu xuống.
Ở Pháp, nhiệt độ khắc nghiệt đã gây ra cháy rừng ở miền Nam và dự kiến còn quét qua miền Bắc, đặc biệt là dọc theo bờ Đại Tây Dương, nơi đang phải chống chọi với thời tiết nóng như thiêu đốt bất thường.
Một nhà hàng ở phía tây nam nước Pháp bị ngọn lửa thiêu rụi vào hôm 15/7. Ảnh: AFP. |
Tại khu rừng Landes của Pháp, thuộc vùng Aquitaine phía tây nam, nhiệt độ "dự kiến trên 42 độ C" vào hôm 18/7, nhà dự báo Olivier Proust cho biết.
Theo các chuyên gia, khu vực Brittany có thể ghi nhận nhiệt độ lên tới 40 độ C - một kỷ lục nhiệt đối với vùng này.
Các đám cháy rừng ở Pháp đã buộc hơn 16.000 người - cả cư dân và khách du lịch - phải nhanh chóng di tản. Bảy nơi trú ẩn khẩn cấp đã được thiết lập để hỗ trợ những người sơ tán. Bộ Nội vụ Pháp thông báo sẽ gửi thêm nguồn lực để giúp đối phó tình hình.
“Ở một số khu vực phía tây nam, đó sẽ là một ngày tận thế vì nhiệt độ cao”, nhà khí tượng học Francois Gourand nói với AFP.
Tay đua xe đạp người Pháp Mikael Cherel, người tham gia chặng 15 Tour de France ở miền Nam nước Pháp hôm 17/7, đã mô tả "điều kiện (thời tiết) rất, rất khắc nghiệt".
Cảnh báo đỏ ở Anh
Tại Anh, trang nhất của một loạt tờ báo vào ngày 18/7 đều tràn ngập thông tin của đợt nắng nóng bất thường. "Báo động đỏ: Đợt nắng nóng 'hung dữ sắp đưa nhiệt độ vượt quá 40 độ C", tờ Guardian giật tít.
Trong khi đó, tờ The Sun tuyên bố xứ sở sương mù đã "nóng hơn cả sa mạc Sahara, Ấn Độ, Pakistan, Algeria, Ethiopia".
Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Anh phải ban hành “cảnh báo đỏ” do tình trạng nắng nóng được dự báo có thể vượt ngưỡng 41 độ C, mức cao nhất mà quốc gia này từng ghi nhận, đồng thời cho biết tình hình thời tiết có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cảnh báo đỏ phản ánh nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, và các quan chức y tế nhấn mạnh rằng ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể bị ảnh hưởng. Người dân được khuyến cáo hạn chế đi lại, tránh tập thể dục vào thời điểm nóng nhất trong ngày và mang theo nước.
Met Office (Văn phòng Khí tượng Anh) cho biết nhiệt độ ở miền Nam nước Anh có thể lần đầu tiên vượt quá 40 độ C vào ngày 18/7 hoặc 19/7. Điều này khiến một số trường học thông báo sẽ đóng cửa vào tuần tới. Theo Reuters, nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở Anh là 38,7 độ C, xảy ra vào ngày 25/7/2019.
Anh phải ban hành báo động đỏ vì tình trạng nắng nóng được dự báo có thể vượt ngưỡng 41 độ C. Ảnh: AP. |
Trước đó, hôm 15/7, Met Office đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với cảnh báo đỏ ở nhiều khu vực. Tuyên bố được đưa ra sau khi Cơ quan An ninh Y tế Anh tăng mức cảnh báo y tế do nắng nóng từ mức 3 lên 4, tức tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Nhiệt độ ở London (Anh) vào ngày 18-19/7 được dự báo vượt 38 độ C và phá vỡ kỷ lục. Trong khi đó, khu vực này lại ít sử dụng điều hòa không khí, và các tòa nhà tại đây cũng được thiết kế để giữ nhiệt.
Công chúng đang được kêu gọi “làm càng ít càng tốt” và cố gắng không sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nhiều doanh nghiệp đã thông báo đóng cửa hai ngày, trong đó có nhà hàng, quán bar, vườn thú,... trong khi hàng triệu người sẽ làm việc tại nhà.
Lãnh đạo của College of Paramedics (Anh) đã cảnh báo "cái nóng dữ dội" mà nước này dự đoán sẽ trải qua trong vài ngày tới có thể khiến nhiều người tử vong.
“Đây là đợt nắng nóng nghiêm trọng, thực sự có thể khiến con người tử vong vì nó rất dữ dội. Chúng tôi không được chuẩn bị để chống chịu với mức nhiệt như vậy ở đất nước này”, bà nói.
Bên cạnh đó, ở Tây Ban Nha, một đám cháy đã tàn phá 2.000 ha rừng và bụi cây ở khu vực Andalusia. Tại Bồ Đào Nha, gần như toàn bộ đất nước vẫn trong tình trạng báo động cao về cháy rừng, mặc dù nhiệt độ có giảm nhẹ, sau khi chạm mức 47 độ C vào ngày 14/7. Bên cạnh đó, nhiệt độ tại Hà Lan cũng dự kiến đạt 38 độ C vào ngày 19/7.