Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Năng lực xét nghiệm của Triều Tiên

Tình trạng không vaccine, thiếu xét nghiệm và nguồn cung y tế đang đặt Triều Tiên vào nguy cơ về một cuộc khủng hoảng lớn lên đất nước vốn đã tổn thương trong 2 năm qua.

Triều Tiên ngày 12/5 đã lần đầu xác nhận một đợt bùng phát Covid-19 kể từ khi đại dịch xuất hiện hơn hai năm trước, chuyển sang "hệ thống phòng chống dịch khẩn cấp tối đa" và áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc.

Một ngày sau đó, Bình Nhưỡng xác nhận hơn 350.000 người đã có các triệu chứng sốt kể từ cuối tháng 4.

Việc Triều Tiên thừa nhận rằng nước này đang chống chọi với đợt bùng phát Covid-19 với "tốc độ bùng nổ" đã làm dấy lên lo ngại rằng virus có thể ảnh hưởng lớn đến một quốc gia có hệ thống y tế thiếu nguồn lực, khả năng thử nghiệm hạn chế và không có chương trình vaccine.

Đánh giá năng lực y tế và chính sách của nước này, nhiều chuyên gia lo ngại về một "cơn ác mộng” mà Triều Tiên có thể phải đối mặt trong thời gian tới, theo Reuters.

Ac mong Covid19 cua Trieu Tien anh 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đeo khẩu trang trong cuộc họp phản ứng với Covid-19 ngày 12/5. Ảnh: AFP.

Không vaccine, xét nghiệm hạn chế

Cùng với Eritrea, Triều Tiên là một trong hai quốc gia duy nhất chưa có chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX đã cắt giảm số liều được phân bổ cho Triều Tiên vì quốc gia này trước đó đã công khai từ chối nhận vaccine.

Bình Nhưỡng cũng từ chối các đề nghị hỗ trợ vaccine từ Trung Quốc.

Đánh giá mới nhất được báo cáo về tình trạng tiêm chủng của nhà lãnh đạo Kim Jong Un là từ tháng 7/2021. Thông tin tình báo của Hàn Quốc nói rằng không có dấu hiệu ông Kim đã tiêm phòng.

Năm ngoái, Triều Tiên cho biết họ đã phát triển thiết bị phản ứng chuỗi polymerase (PCR) của riêng mình để tiến hành xét nghiệm Covid-19, và Nga cho biết họ đã giao một số lượng nhỏ bộ dụng cụ xét nghiệm cho nước này.

Theo các chuyên gia, tốc độ xét nghiệm cho đến nay cho thấy Triều Tiên không thể xử lý số trường hợp có triệu chứng mà họ đã báo cáo.

Ac mong Covid19 cua Trieu Tien anh 2

Cuộc diễu hành của các lực lượng "bán quân sự và an ninh công cộng" trong bộ đồ bảo hộ để kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Triều Tiên tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng, ngày 9/9/2021. Ảnh: KCNA.

Theo dữ liệu mới nhất của WHO, tính đến cuối tháng 3, chỉ có 64.207 trong số 25 triệu người của Triều Tiên được xét nghiệm Covid-19 và tất cả kết quả đều âm tính.

"Triều Tiên đã xét nghiệm cho khoảng 1.400 người mỗi tuần. Giả sử họ làm việc với công suất cao nhất, thì có thể thực hiện tối đa 400 xét nghiệm mỗi ngày - gần như không đủ để kiểm tra 350.000 người có triệu chứng", Kee Park của Trường Y Harvard, từng làm việc trong các dự án chăm sóc sức khỏe ở Bắc Triều Tiên, đánh giá.

Không rõ liệu Triều Tiên có áp đặt bất kỳ quy định nào về khẩu trang kể từ khi đại dịch bắt đầu hay không. Hình ảnh công dân đeo khẩu trang đã được nhìn thấy, nhưng trong một số sự kiện lớn có sự tham gia của hàng chục nghìn người, không có khẩu trang xuất hiện.

Lần đầu tiên cộng đồng quốc tế thấy ông Kim đeo khẩu trang là trong cuộc họp về phản ứng với Covid-19 hôm 12/5.

Thiếu nguồn cung y tế

Triều Tiên xếp hạng cuối cùng trên thế giới về khả năng ứng phó kịp thời và giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh, theo Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu mới nhất vào tháng 12/2021.

Dù có số lượng bác sĩ được đào tạo cao, cũng như khả năng triển khai và tổ chức nhân viên nhanh chóng khi đối mặt với các tình huống khẩn cấp, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Triều Tiên thường xuyên thiếu nguồn lực.

Mỗi ngôi làng của Triều Tiên đều có 1-2 phòng khám hoặc bệnh viện và hầu hết bệnh viện quận đều được trang bị thiết bị chụp X-quang, nhưng không chắc chắn về khả năng hoạt động, WHO cho biết trong báo cáo Chiến lược Hợp tác Quốc gia 2014-2019.

Kwon Young Se, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc, chịu trách nhiệm về quan hệ liên Triều, ngày 12/5 nói Triều Tiên được cho là thiếu cả những nguồn cung cấp y tế cơ bản nhất như thuốc giảm đau và thuốc khử trùng. Dẫu vậy, thông tin từ bên trong Triều Tiên rất khan hiếm nên không có gì chắc chắn về nhận định này.

Ac mong Covid19 cua Trieu Tien anh 3

Nhân viên y tế khử trùng một khu mua sắm ở Bình Nhưỡng, ngày 20/12/2020. Ảnh: AP.

Một nhà điều tra nhân quyền độc lập của Liên Hợp Quốc hồi tháng 3 báo cáo rằng các hạn chế về Covid-19 của Triều Tiên, bao gồm việc đóng cửa biên giới, có thể ngăn chặn các đợt bùng phát lớn "dù có thể phải trả giá đáng kể đối với tình hình sức khỏe rộng lớn hơn".

Báo cáo cho biết: "Các vấn đề kinh niên ảnh hưởng đến hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước, bao gồm đầu tư chưa đủ vào cơ sở hạ tầng, nhân viên y tế, thiết bị và thuốc men, nguồn cung cấp điện không thường xuyên, các thiết bị vệ sinh và nước không đầy đủ".

Lễ diễu binh có thể là sự kiện 'siêu lây nhiễm' Covid-19 ở Triều Tiên

Nhiều chuyên gia Hàn Quốc cho biết lễ diễu binh mừng 90 năm thành lập Quân đội nhân dân Triều Tiên hôm 25/4 là sự kiện "siêu lây nhiễm" khiến Covid-19 bùng phát ở nước này.

Bí ẩn 'bệnh nhân số 0' tại Triều Tiên

Từ những tuyên bố mới nhất của Bình Nhưỡng cùng với nguồn thông tin khan hiếm, các chuyên gia quốc tế đang phải “đoán mò” về nguồn gốc của đợt bùng phát dịch đầu tiên ở Triều Tiên.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm