Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự thất vọng khi các hoạt động cứu hộ diễn ra quá chậm chạp và thời gian quý báu đã bị lãng phí để tìm kiếm những người còn sống dưới đống đổ nát.
Người dân tỉnh Hatay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Syria thì nghĩ rằng chính phủ đã chậm trễ trong việc cứu hộ khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với lý do mà họ cho là liên quan đến chính trị và tôn giáo, theo AP.
Một người đàn ông cầu nguyện gần đống đổ nát của những ngôi nhà bị phá hủy sau trận động đất chết người ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 14-2 - Ảnh: Reuters. |
Sự giúp đỡ muộn màng
Ngày 11/2, ở thành phố Adiyaman, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, Elif Busra Ozturk đợi bên ngoài đống đổ nát của một tòa nhà, nơi chú và dì của cô bị mắc kẹt và khả năng cao là đã chết. Trước đó, thi thể của 2 người em họ của cô đã được tìm thấy.
“Trong 3 ngày, tôi đợi bên ngoài để được giúp đỡ. Không có ai đến. Có quá ít đội cứu hộ nên họ chỉ có thể can thiệp ở những nơi mà họ chắc chắn có người còn sống”, cô nói.
Tại cùng tòa nhà, ông Abdullah Tas, 66 tuổi, cho biết ông đã ngủ trong một chiếc ôtô gần tòa nhà nơi chôn cất con trai, con dâu và 4 đứa cháu của ông. Ông nói rằng 4 ngày sau khi trận động đất xảy ra, lực lượng cứu hộ cuối cùng cũng đến.
“Điều đó giúp được gì cho những người dưới đống đổ nát?”, ông nói.
Nỗ lực tìm kiếm những nạn nhân đang bị kẹt trong đống đổ nát. Ảnh: Reuters. |
Lỗi thuộc về ai?
Tâm lý bất mãn đang lan rộng ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất. Người dân cho rằng chính phủ đang làm không đủ.
Tại thành phố cổ Antakya, đám đông người đứng sau dải băng của cảnh sát hôm 11/2 để xem những chiếc xe ủi ủi vào một tòa nhà chung cư cao tầng sang trọng đã bị lật nghiêng.
Hơn 1.000 cư dân đã ở trong tòa nhà 12 tầng khi trận động đất xảy ra. Hàng trăm người vẫn còn ở bên trong, nhưng người thân các nạn nhân phàn nàn rằng nỗ lực giải cứu đang được tiến hành chậm chạp và thiếu nghiêm túc.
“Thật đau lòng, tôi không biết phải nói gì”, bà Bediha Kanmaz, 60 tuổi nói. Thi thể con trai và cháu trai 7 tháng tuổi của bà đã được ra đưa khỏi đống đổ nát của tòa nhà, trong khi người con dâu vẫn bị kẹt bên trong.
“Chúng tôi phải mở từng túi đựng xác để xem có phải con cháu của chúng tôi ở trong đó không”, bà nói.
Bà Kanmaz đổ lỗi cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về việc phản ứng chậm chạp, đồng thời cho rằng lực lượng cứu hộ quốc gia đã không làm đủ để cứu những người còn sống.
Bà và những người khác ở Antakya tin rằng sự sinh sống của đông đảo người thiểu số Alevi - nhóm tôn giáo khác với Sunni, Shia và Alawite của đạo Hồi - đã khiến chính phủ không dành nhiều ưu tiên cho họ, bởi vì theo truyền thống, rất ít người Alevis bỏ phiếu cho đảng cầm quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Dù vậy, trên thực tế chưa có bằng chứng nào cho thấy khu vực này nhận được ít sự quan tâm vì lý do chính trị hay tôn giáo.
Ngày 8/2, Tổng thống Erdogan cho biết các nỗ lực cứu hộ đang diễn ra trên khắp 10 tỉnh bị ảnh hưởng bởi trận động đất và gọi những cáo buộc về việc chính phủ và quân đội không giúp đỡ là “dối trá, vu khống”.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận thiếu sót. Các quan chức cho biết các nỗ lực cứu hộ ở Hatay ban đầu rất khó khăn do đường băng của sân bay địa phương bị phá hủy và điều kiện đường sá xấu.
Ngôi nhà cao tầng ở Adana, Thổ Nhĩ Kỳ, sụp đổ sau trận động đất. Ảnh: Anadolu |
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hoặc ban hành lệnh bắt giữ hàng chục người được cho là có liên quan đến việc xây dựng các tòa nhà bị sập. Bộ trưởng tư pháp nước này tuyên bố sẽ trừng phạt bất kỳ ai chịu trách nhiệm.
Bà Kanmaz đổ lỗi cho sự sơ suất của chủ đầu tư tòa chung cư nơi gia đình bà thiệt mạng.
Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, nhà thầu của tòa chung cư đó, người giám sát việc xây dựng 250 căn hộ của tòa chung cư, đã bị giam giữ tại sân bay Istanbul ngày 10/2 trước khi lên chuyến bay rời khỏi đất nước. Một ngày sau, ông này chính thức bị bắt. Luật sư của ông cho rằng công chúng đang lấy ông ra làm vật tế thần.
Đau buồn nhường chỗ cho tức giận
Ở khu vực miền Nam đa sắc tộc của Thổ Nhĩ Kỳ, những căng thẳng khác đang nảy sinh.
Một số người bày tỏ sự thất vọng rằng những người tị nạn Syria sống trong khu vực đang tạo gánh nặng cho hệ thống phúc lợi vốn nghèo nàn của Thổ Nhĩ Kỳ và cạnh tranh nguồn lực cứu trợ với người bản xứ.
“Có nhiều người nghèo ở Hatay nhưng chính phủ không cung cấp cho chúng tôi bất kỳ phúc lợi nào. Họ đưa nó cho người Syria. Họ hỗ trợ người Syria rất nhiều”, bà Kanmaz nói. "Ở đây người Syria còn nhiều hơn người Thổ Nhĩ Kỳ”.
Có dấu hiệu cho thấy căng thẳng có thể bùng phát.
Hai nhóm viện trợ của Đức và Áo đã tạm dừng công việc cứu hộ của họ ở Hatay với lý do tình hình căng thẳng và lo ngại cho sự an toàn của nhân viên của họ. Họ đã tiếp tục công việc sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đến bảo đảm an ninh khu vực, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Áo viết trên Twitter.
“Căng thẳng giữa các nhóm người khác nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng”, Trung tá Pierre Kugelweis thuộc Lực lượng Vũ trang Áo nói với hãng tin APA. “Chúng tôi đã ghi nhận một số vụ nổ súng”.
Giám đốc nhóm viện trợ I.S.A.R Germany của Đức, ông Steven Berger, nói rằng “có thể thấy rằng sự đau buồn đang dần nhường chỗ cho sự tức giận” tại các vùng bị động đất tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với bà Kanmaz, đó là cả sự đau buồn lẫn tức giận.
"Tôi đang tức giận. Cuộc sống đã kết thúc”, bà nói. “Chúng tôi sống vì con cái; điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là con cái. Chúng ta tồn tại nếu chúng tồn tại. Bây giờ thì mọi thứ đã kết thúc. Mọi thứ bạn thấy ở đây đã kết thúc”.