Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Năm đầy biến động của chứng khoán thế giới

Lạm phát và lãi suất tăng liên tiếp, cùng với những bất ổn chính trị nổ ra khắp nơi trong năm 2022 đã khiến nhiều thị trường chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư chịu cảnh trắng tay.

Trong gần một năm kể từ khi thị trường chứng khoán Mỹ đạt đỉnh vào ngày 3/1, các nhà đầu tư đã thử thăm dò đáy và tìm xem xu hướng nào sẽ hình thành lợi nhuận trong tương lai, nhưng có vẻ kết quả không được tích cực lắm. Dù phần nào hồi phục, sự sụt giảm của các thị trường chứng khoán trên toàn cầu trong năm nay vẫn rất lớn.

Theo Bloomberg, chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI trong năm đã giảm gần 18% và xóa sạch 13.000 tỷ USD vốn hoá thị trường. Tình hình đầu tư bất động sản cũng ảm đạm hơn khi giá nhà ở tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc đang lao dốc không phanh. Nhiều tài sản phi truyền thống khác như giá trị thị trường tiền kỹ thuật số hiện chỉ còn 840 tỷ USD, giảm từ mức 3.000 tỷ USD vào năm 2021.

Các tài sản an toàn hơn cũng không thoát khỏi vòng xoáy này, chỉ số trái phiếu của châu Âu và các thị trường mới nổi đều giảm 15%, trong khi của Mỹ là 11%.

chung khoan toan cau anh 1

Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc trong năm nay. Ảnh: TTXVN.

Thị trường liên tiếp chịu “những cú sốc”

Rất rõ ràng rằng các số liệu trên đều nhấn mạnh một năm khó khăn đối với hầu hết thị trường trên thế giới. Trong năm nay, cổ phiếu của các công ty lớn hay nhỏ đều chịu áp lực từ các yếu tố toàn cầu, bao gồm cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine và cả việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ.

Cụ thể, Fed và một loạt ngân hàng trung ương khác đã liên tục tăng lãi suất, đồng thời đảo ngược các biện pháp kích thích trong đại dịch để “ghìm cương” lạm phát. Lãi suất tăng làm chi phí vay vốn của nhiều công ty tăng theo và giá trị nội tại giảm mạnh, khiến nhiều nhà đầu tư liên tiếp bán ra cổ phiếu và ảnh hưởng đến thị trường chung.

Mới đây, Fed đã công bố báo cáo cho thấy rằng các nhà đầu tư tại nước này trong năm nay đã thiệt hại hơn 1.900 tỷ USD vì đầu tư chứng khoán. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tại Mỹ đã giảm tới gần 15% kể từ đầu năm nay.

Còn đối với thị trường châu Âu, chỉ riêng ngành công nghệ đã mất hơn 400 tỷ USD giá trị. Klarna - tập đoàn “mua ngay, trả sau” của Thụy Điển - đã giảm 85% mức định giá từ 45,6 tỷ USD xuống còn 6,7 tỷ USD trong xu thế “vòng quay xuống”. Trong khi đó, cổ phiếu của công ty dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Spotify cũng giảm tới hơn 60% trong năm qua.

Ngoài ra, tổng vốn đầu tư mạo hiểm của các công ty khởi nghiệp châu Âu chỉ đạt khoảng 80 tỷ USD trong năm nay thay vì hơn 100 tỷ USD như năm 2021. Số lượng các nhà đầu tư Mỹ tại châu Âu cũng giảm khoảng 25% so với trước đây.

Tốc độ tạo ra kỳ lân (unicorn startup) - thuật ngữ chỉ những startup được định giá trên 1 tỷ USD - cũng đang chậm lại, với số lượng kỳ lân mới là 31 - giảm mạnh so với con số 105 kỳ lân của năm ngoái.

chung khoan toan cau anh 2

Mặc cho số lượng startup ra đời ngày càng một nhiều, thì số lượng kỳ lân lại đang ngày càng một ít. Ảnh: Sumatosoft.

Nhận xét về điều này, ông Tom Wehmeier - giám đốc công ty đầu tư mạo hiểm Atomico - cho biết: “Năm 2022 thực sự là môi trường kinh tế vĩ mô nhiều thách thức nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008". Theo ông, việc huy động vốn ngày càng khó khăn và chi phí vốn thì tăng quá nhanh.

Nhiều công thức đầu tư không còn hữu dụng

Năm nay cũng là thời điểm công thức đầu tư 60/40 (60% cổ phiếu và 40% trái phiếu) mang lại kết quả rất tệ dù trước đó nó đã giúp nhiều nhà đầu tư vừa có lợi nhuận vừa không gặp rủi ro lớn.

Thông thường, danh mục đầu tư phân bổ nhiều hơn cho trái phiếu và ít hơn cho cổ phiếu được coi là ít rủi ro hơn. Nhưng nhà quản lý tài sản Alex Funk của Schroder cho biết rằng tổn thất đối với trái phiếu năm nay quá lớn nên quy tắc này không áp dụng được. Lạm phát cao làm xói mòn giá trị của cả khoản thanh toán lãi trái phiếu lẫn khoản gốc, đồng thời lãi suất tăng lại khiến cho giá trái phiếu giảm đi.

Ngay cả vàng - tài sản hàng rào chống lại sự thất thường của thị trường tài chính và lạm phát - trong năm nay cũng giảm tới 3%.

Ngoài ra, trong những năm trước, các "cổ phiếu tăng trưởng" - loại cổ phiếu của công ty được kỳ vọng sẽ bứt phá trong tương lai - luôn có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Nhưng lãi suất tăng lên trong năm nay khiến loại hình cổ phiếu này bị giảm chú ý.

Ví dụ, khi lãi suất là 1%, 91 USD gửi vào ngân hàng sẽ có giá trị 100 USD sau 10 năm. Nhưng khi lãi suất là 5%, chỉ cần 61 USD để tạo ra 100 USD trong cùng thời gian đó. Điều này làm cho sự tăng trưởng của nhiều công ty trong tương lai trở nên kém giá trị và nhiều người lựa chọn gửi ngân hàng thay vì đầu tư chứng khoán.

Logic tương tự cũng làm cho việc đầu tư mạo hiểm vào các startup trở nên kém hấp dẫn hơn và thanh khoản của thị trường tài chính nói chung yếu đi nhiều.

Bùng nổ thị trường chợ đen USD ở Pakistan

Tại các địa điểm kinh doanh ngoại tệ ở Karachi (Pakistan), tỷ giá mua USD vẫn được hiển thị nhưng các chủ cửa hàng lại thông báo rằng họ đã hết tiền.

Người Mỹ mất 1.900 tỷ USD vì đầu tư chứng khoán

Tài sản của nhiều nhà đầu tư tại Mỹ tiếp tục trượt dốc trong quý III khi thị trường lao đao, nhưng nguồn tài chính này vẫn dồi dào hơn so với thời điểm trước đại dịch.

Phố Wall nhận tin xấu

USD và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đồng loạt tăng cao do chỉ số giá sản xuất tháng 11 cao hơn dự kiến. Sức ép lạm phát có thể tác động tới động thái tiếp theo của Fed.

Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...

Hằng Nga

Bạn có thể quan tâm