Theo dữ liệu do Đại sứ quán Thái Lan tại Seoul thu thập, ít nhất 522 lao động Thái chết tại Hàn Quốc kể từ năm 2015. Trong số này, 84% không có giấy tờ làm việc hợp lệ.
Riêng năm 2020 ghi nhận 122 ca tử vong. Đây là con số cao kỷ lục, trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại về ảnh hưởng của đại dịch đối với điều kiện làm việc.
Cứ 10 trường hợp tử vong thì 4 ca được ghi nhận là không rõ nguyên nhân, theo Reuters. Các trường hợp khác được ghi nhận là vì sức khỏe yếu, tai nạn và tự tử.
Giai đoạn 2015-2018, số lao động Thái chết ở Hàn Quốc là 283 - cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Các số liệu trên do Reuters yêu cầu Bộ Ngoại giao Thái Lan và Đại sứ quán Thái Lan tại Seoul cung cấp, dựa trên đạo luật về tự do thông tin.
Nilim Baruah, chuyên gia về lao động di cư tại Tổ chức Lao động Quốc tế Liên Hợp Quốc (ILO) cho biết: "(Dữ liệu này) rất đáng quan ngại và cần được chú ý điều tra. Lao động nhập cư không có giấy tờ là những người ít được bảo vệ nhất. Sức khỏe và sự an toàn của họ là vấn đề quan ngại".
Người lao động Thái Lan xếp hàng chờ làm bài kiểm tra tiếng Hàn tiêu chuẩn hôm 28/10 để sang làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: Bangkok Post. |
Các nhà hoạt động xã hội và quan chức Thái Lan cho biết hàng chục nghìn lao động nhập cư trái phép phải làm việc quá sức. Họ không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và không muốn khai báo tình trạng vì sợ bị trục xuất.
Theo các nhà hoạt động, chính phủ Thái Lan không công khai dữ liệu về những vụ lao động trái phép tử vong. Do đó, điều kiện làm việc và chất lượng cuộc sống của họ rất ít được quan tâm.
Các Bộ Lao động, Tư pháp và Ngoại giao Hàn Quốc từ chối bình luận về các dữ liệu mà Reuters công khai.
Dữ liệu từ Bộ Ngoại giao Thái Lan cho thấy ít nhất 460.000 người Thái làm việc ở nước ngoài, bao gồm đi làm hợp pháp hoặc "làm chui".
Hàn Quốc là điểm đến hàng đầu và là nơi sinh sống của khoảng 185.000 người Thái di cư. Tại đây, mức thu nhập của họ cao hơn đáng kể so với tại Thái Lan.