Đại sứ quán Nga ở thủ đô Oslo của Na Uy. Ảnh: Reuters. |
Số nhân viên ngoại giao bị ra lệnh trục xuất ngày 13/4 tương đương khoảng 1/3 số nhân viên làm việc tại Đại sứ quán Nga ở thủ đô Oslo. Trước lệnh trục xuất, con số này là 40 người.
"Chúng tôi đã theo dõi hoạt động của những nhà ngoại giao này trong thời gian dài. Tần suất hoạt động của họ đã tăng lên kể từ khi xung đột bùng phát ở Ukraine", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Anniken Huitfeldt phát biểu tại một cuộc họp báo, bổ sung rằng những người này phải nhanh chóng rời Na Uy.
Với quyết định ngày 13/4, Na Uy trở thành quốc gia châu Âu gần nhất trục xuất nhân viên ngoại giao Nga kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát vào năm 2022.
Từ đầu năm tới nay, lần lượt Estonia, Hà Lan và Áo ra lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Nga làm việc tại những quốc gia này. Trước đó, vào tháng 4/2022, Na Uy từng trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ sớm có biện pháp đáp trả đối với quyết định của Na Uy, nhưng không nêu cụ thể những biện pháp này, TASS đưa tin.
Na Uy là thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có chung đường biên giới với Nga tại Bắc Cực. Quyết định ngày 13/4 của Oslo được cho là sẽ làm phức tạp hóa quá trình chuyển giao vị trí chủ tịch Hội đồng Bắc Cực, một tổ chức liên chính phủ nơi các quốc gia vùng cực bàn luận những vấn đề ảnh hưởng đến khu vực này.
Nga hiện là chủ tịch của Hội đồng Bắc Cực nhưng sẽ chuyển giao vị trí này cho Na Uy vào hôm 11/5.
Bà Huitfeldt cho biết chính phủ Na Uy chưa thể đánh giá được tác động của lệnh trục xuất đối với quá trình chuyển giao ghế chủ tịch Hội đồng Bắc Cực.
Vị bộ trưởng Ngoại giao Na Uy cũng khẳng định các quốc gia vùng Bắc Cực vẫn muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga và sẵn sàng chào đón những nhà ngoại giao của nước này.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.