17 quốc gia nhóm họp tại thành phố Vienna, Áo để bàn về tương lai của Syria. Ảnh: AFP |
Sau 8 giờ đàm phán, tất cả các bên thống nhất yêu cầu Liên Hợp Quốc tiến hành các phương thức nhằm thực hiện một lệnh ngừng bắn tại Syria. Thỏa thuận ngừng bắn sẽ tiến hành song song với "tiến trình chính trị mới, cho phép bầu cử tự do dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc nhằm lựa chọn lãnh đạo kế tiếp của quốc gia này, Telegraph đưa tin.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ca ngợi đây là "sự khởi đầu của một tiến trình ngoại giao mới".
Tuy nhiên, hội nghị chưa đạt được thỏa thuận về tương lai của Tổng thống Assad. Các cường quốc Arab cùng với Anh và Mỹ tin rằng, chỉ khi ông Assad từ chức, hòa bình mới có thể thiết lập tại Syria. Trong khi đó, Nga và Iran cho rằng ông Assad cần tiếp tục duy trì quyền lực, ít nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp.
Thời gian để một quá trình chuyển đổi như vậy diễn ra là khúc mắc chính dẫn đến sự bất đồng của các bên tham gia. Mỹ và phương Tây không muốn chờ đợi. Thời gian mà họ muốn ông Assad từ chức tính bằng tháng.
Tuy nhiên, Nga đang tiến hành các cuộc không kích nhằm hỗ trợ tổng thống đương nhiệm và Iran triển khai hàng nghìn binh sĩ chiến đấu giúp ông bảo vệ chính quyền. Hiện tại, hai nước này không sẵn sàng đồng ý cho sự ra đi của ông Assad.
"Tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là khúc mắc chính. Chúng tôi sẽ cố gắng thu hẹp những khác biệt", Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết đàm phán sẽ được nối lại trong hai tuần tới. Các bên sẽ tập trung thảo luận việc thiết lập chính phủ chuyển tiếp, tiến hành các cuộc bầu cử mới và thực thi các lệnh ngừng bắn toàn quốc hay khu vực nhằm chấm dứt nội chiến ở Syria.
Trước khi hội nghị diễn ra, giới phân tích nhận định cuộc họp này sẽ không đưa đến kết quả mang tính quyết định do sự khác biệt quan điểm giữa các bên là quá lớn.
Tuy nhiên, giới quan sát công nhận cuộc họp này là một bước tiến khi các bên có quan điểm đối lập có thể tập hợp quanh bàn đàm phán. Trên thực tế, Iran, đồng minh thân cận của chính quyền ông Assad, lần đầu tiên được mời tham dự hội nghị.