Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2018, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đã phủ bóng những gì được cho là diễn đàn hợp tác quốc tế và ngoại giao đa phương.
Mặc dù đã đưa ra được thông cáo chung sau các cuộc hội đàm ở Buenos Aires và thỏa thuận về sự cần thiết phải cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), G20 không đạt nhiều tiến triển về cách phản ứng khi căng thẳng bùng lên.
Bất kỳ tiến bộ nào đạt được ở Argentina đều không kéo dài. Ngay sau khi thỏa thuận đình chiến 90 ngày trong cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh hết hạn, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng gấp đôi thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và cấm vận Huawei, chủ lực của ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc.
Các nhà phân tích nói rằng mục đích của Tổng thống Mỹ Donald Trump là "chiếm lấy hội nghị thượng đỉnh và chuyển hướng sang cuộc đối đầu với Trung Quốc". Đồ họa: South China Morning Post. |
Đối với nhiều người, hội nghị thượng đỉnh ngày càng trở thành biểu tượng của một thế giới bị chia rẽ, phân cực hơn bất kỳ nỗ lực nào nhằm khắc phục sự khác biệt trong toàn cầu hóa và sự thỏa đáng của hệ thống thương mại quốc tế sau chiến tranh.
Theo South China Morning Post, với 20 cường quốc kinh tế hàng đầu gặp lại nhau ở Osaka, Nhật Bản, trong tuần này, câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu "diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế quốc tế" G20 có còn phù hợp trong thế giới ngày càng phân tán hay không.
Lu mờ bởi cuộc chiến thuế quan
Năm thứ hai liên tiếp, cuộc họp đa phương dường như bị lu mờ bởi cuộc chiến thuế quan rối rắm giữa Trung Quốc và Mỹ và các mối quan hệ ngày càng gay gắt của họ, vào thời điểm trật tự kinh tế quốc tế đang sụp đổ rất cần được khởi động lại.
"Có vẻ như rõ ràng rằng Mỹ muốn chiếm lấy sự chú ý của hội nghị thượng đỉnh và biến nó từ một diễn đàn đa phương để thảo luận về các vấn đề quan trọng nhất của thế giới thành cuộc đối đầu song phương với Trung Quốc", Carola Ramon-Berjano, thành viên Hội đồng Quan hệ Quốc tế của Argentina, nói.
Các cuộc tấn công thuế quan nhắm vào Trung Quốc và nhiều đồng minh của Washington mà ông Trump khởi xướng đã mở "chiếc hộp Pandora" chứa đầy lo ngại, làm tăng thêm sự bất định trong bối cảnh địa chính trị thay đổi nhanh chóng.
Hội nghị thượng đỉnh G20, bắt đầu vào ngày 28/6 tại Osaka, dường như bị lu mờ bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trong năm thứ hai. Ảnh: AP. |
Kể từ khi nhà lãnh đạo Mỹ nắm quyền cách đây hai năm, chủ nghĩa cô lập của chính quyền Trump về thương mại và đa phương đã bị các nhà lãnh đạo thế giới lên án là một chiến lược gây hại có thể làm xói mòn trật tự dựa trên luật lệ trong đó Mỹ là trung tâm.
Với việc Mỹ rút khỏi vai trò lãnh đạo về các vấn đề toàn cầu, một câu hỏi khác là liệu có thể có quản trị toàn cầu mà không có Mỹ và liệu Trung Quốc và các thế lực khác như EU và Nhật Bản có thể lấp đầy khoảng trống và giữ cho G20 tồn tại hay không.
Louis Kuijs, người đứng đầu Viện Kinh tế Oxford về nghiên cứu châu Á ở Hong Kong, cựu chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, cho biết mối quan hệ xấu đi giữa Bắc Kinh và Washington đã đưa họ vào một cuộc xung đột và khiến G20 lâm nguy.
"G20 là về hợp tác và phối hợp quốc tế. Trong một thế giới nơi G2 (Mỹ và Trung Quốc) dường như đang hướng đến sự gia tăng căng thẳng và cạnh tranh, mức độ liên quan và tác động của G20 chắc chắn sẽ ở mức thấp", ông nói.
Mặc dù ông Trump và ông Tập đã đồng ý họp mặt ở Osaka nhưng kỳ vọng rất thấp do sự không tin tưởng lẫn nhau của họ, ngay cả khi họ đã gọi nhau là "bạn".
Hầu hết chuyên gia có xu hướng đồng ý rằng một thỏa thuận thương mại để giải quyết các rạn nứt sâu sắc giữa họ không gì khác hơn là một ảo tưởng xa vời.
Theo các nhà phân tích, cả ông Tập và ông Trump đều không có động lực để đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các vấn đề như biến đổi khí hậu hoặc giải quyết tranh chấp tại WTO, đặc biệt nếu họ phải nhượng bộ lớn vì sự ổn định toàn cầu.
Nỗ lực của phần còn lại
Patrick Mendis, thành viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Đài Loan tại Đài Bắc, cho biết sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ đã trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm.
"Đây không chỉ là cuộc cạnh tranh về địa kinh tế, nó đang ngày càng trở thành một cuộc cạnh tranh địa chiến lược được tiếp sức bởi ý thức hệ chính trị và ưu thế quân sự. Tôi nghĩ rằng đây không chỉ là một cuộc chiến thương mại, đó là cuộc chiến hệ tư tưởng", ông nói.
Theo Roland Rajah, giám đốc Chương trình Kinh tế Quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney, trong khi cuộc chiến thương mại sẽ "chiếm sân khấu", câu hỏi đặt ra cho phần còn lại của G20 là liệu họ có thể giành được sự chú ý đối với các vấn đề khác như biến đổi khí hậu và cải cách WTO hay không.
"Nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không quan tâm đến điều đó thì đó là một vấn đề lớn và phần còn lại của G20 sẽ không thể thực sự làm được gì nhiều", ông nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Osaka. Ảnh: AFP. |
G20 đã đấu tranh để duy trì ảnh hưởng của mình trong những năm gần đây khi một số thành viên chuyển từ chủ nghĩa đa phương sang chủ nghĩa dân tộc. Nó đã dần mở rộng trọng tâm từ kinh tế toàn cầu sang các lĩnh vực như chống khủng bố, Triều Tiên và Iran.
Các nhà phân tích cho biết mặc dù Trung Quốc, Nhật Bản và EU đều bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ nghĩa đa phương, họ có những ý tưởng khác nhau về ý nghĩa của nó.
John Kirton, đồng giám đốc và người sáng lập Nhóm nghiên cứu G20 ở Canada, cho biết Mỹ, Trung Quốc và EU sẽ thúc đẩy tầm nhìn của chính họ về trật tự thế giới tại hội nghị thượng đỉnh Osaka.
"Có những liên minh xuyên suốt, với EU đôi khi liên kết với Mỹ (về các vấn đề như Trung Quốc thực hành thương mại không công bằng) và các nước khác với Trung Quốc (ví dụ, về hiệp định khí hậu Paris)", ông Kirton nói.
Không giống như nhiều tổ chức đa phương quốc tế có từ những năm 1940 và đã phải vật lộn để theo kịp thời đại, G20 tương đối mới. Diễn đàn được thành lập vào năm 1999, ban đầu với tư cách cuộc họp cấp bộ trưởng sau đó được nâng cấp thành hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo năm 2008. Các quốc gia thành viên đại diện cho 4/5 sản lượng kinh tế toàn cầu và 2/3 dân số.
"Trớ trêu thay, căng thẳng và cái gọi là chiến tranh lạnh mới khiến các tổ chức như G20 thậm chí còn quan trọng hơn với vai trò là địa điểm liên lạc trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo", Leslie Pal, trưởng khoa Chính sách công tại Đại học Hamad bin Khalifa ở Doha, Qatar, nói.