Theo SCMP, ông Chee Hong Tat, Quốc vụ khanh cấp cao Bộ Thương mại và Công nghiệp kiêm Quốc vụ khanh cấp cao Bộ Giáo dục Singapore, cho rằng những nghi ngờ giữa Trung Quốc và Mỹ khó có thể được xóa bỏ trong thời gian ngắn và có khả năng chuyển hướng xấu đi, dẫn tới việc những căng thẳng thương mại hiện tại phát triển thành "một cuộc đụng độ giữa các nền văn minh".
Chứng kiến những căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc leo thang, bắt đầu bằng việc chính quyền Trump tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc hồi đầu tháng 5 và đe dọa sẽ tiếp tục tăng thuế, ông Chee tin rằng cần có thời gian và lòng kiên nhẫn để cải thiện sự thấu hiểu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ không chỉ là về thương mại, mà còn về công nghệ, đó là cuộc đụng độ giữa những nền văn mình", ông Chee phát biểu hôm 18/6 tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một viện chính sách có trụ sở tại Bắc Kinh.
Ông Chee Hong Tat, Quốc vụ khanh cấp cao Bộ Thương mại và Công nghiệp kiêm Quốc vụ khanh cấp cao Bộ Giáo dục Singapore. Ảnh: Facebook. |
"Đây là một vấn đề mà không may là không thể giải quyết nhanh chóng được. Để giảm thiểu những căng thẳng hiện tại giữa Trung Quốc và Mỹ, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu tại sao những hành động của Mỹ với Trung Quốc lại nhận được sự ủng hộ của cả phe Dân chủ và Cộng hòa, và cả một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn. Trung Quốc có thể cân nhắc việc làm cách nào để giải quyết những nhận thức tiêu cực về Trung Quốc ở Mỹ và các quốc gia khác".
"Cuộc xung đột của các nền văn minh" là khái niệm được phổ biến bởi nhà khoa học chính trị Mỹ Samuel P. Huntington vào năm 1992, khi cho rằng những khác biệt về bản sắc văn hóa và tôn giáo có thể là nguồn gốc chính của xung đột trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.
Phát biểu của ông Chee cũng liên hệ đến nhận xét gây tranh cãi của giám đốc phụ trách hoạch định chính sách cho Bộ Ngoại giao Mỹ, Kiron Skinner, vào cuối tháng 5 vừa qua. Ông Skinner cho rằng cuộc đua với Bắc Kinh là "cuộc chiến với một nền văn minh rất khác với khác biệt về ý thức hệ mà nước Mỹ chưa từng có trước đây". Phần gây tranh cãi của ông Skinner đến sau đó khi ông khẳng định: "Đây là lần đầu tiên chúng ta có một cuộc đối thủ cạnh tranh quyền lực không phải là người da trắng".
Singapore chắc chắn có nhiều rủi ro lợi ích trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vì nước này cung cấp dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc trong vòng 6 năm liền. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất, điểm đến lớn nhất của hàng xuất khẩu Singapore và là nơi sản xuất phần lớn hàng hóa nhập khẩu vào Singapore, theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc.
Ông Chee đưa ra những bình luận này trước thềm cuộc gặp đã được xác nhận giữa ông Trump và ông Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tuần tới tại Osaka, Nhật Bản.
Singapore nhận thấy rõ rệt tác động của cuộc chiến thương mại khi sản lượng xuất khẩu (không tính sản phẩm dầu mỏ) của đảo quốc này giảm tới 15,9%, mức giảm lớn nhất trong vòng 3 năm qua.
"Tôi không nghĩ bất kỳ doanh nghiệp, bất kỳ nhóm người tiêu dùng hoặc thị trường nào có thể miễn nhiễm với căng thẳng từ xung đột thương mại Mỹ - Trung", ông Chee cho biết thêm.