Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đối thoại Shangri-La: Đối đầu Mỹ - Trung về Biển Đông 'dậy sóng'

Khi cuộc chiến thương mại đang căng thẳng, Washington và Bắc Kinh tiếp tục đối đầu tại Đối thoại Shangri-la, nơi hai nước cùng nhấn mạnh chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Mối quan hệ Mỹ - Trung đang ở giai đoạn rất căng thẳng, khi cuộc chiến thương mại leo thang. Giữa bối cảnh đó, sự đối đầu giữa hai nước lại chuyển đến một điểm nóng khác – Biển Đông.

Đối thoại Shangri-la 2019 diễn ra tại Singapore vào ngày 1/6, được giới phân tích dự đoán sẽ là cuộc đối đầu căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington liên quan đến tranh chấp Biển Đông và nhiều vấn đề khác.

Cuộc cạnh tranh Ấn Độ - Thái Bình Dương

Sau nhiều năm bế tắc và thiếu chiến lược cụ thể trong khu vực, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick M. Shanahan tiết lộ sẽ công bố chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mới của Lầu Năm Góc tại Đối thoại Shangri-La vào cuối tuần này.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cũng cho biết sẽ nói về vai trò của Bắc Kinh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên trong 8 năm trở lại đây, Trung Quốc cử quan chức cấp bộ trưởng tham dự hội nghị an ninh quốc phòng hàng đầu châu Á.

Doi thoai Shangri-la anh 1
Tàu khu trục Type-052D của Trung Quốc trong đợt diễu binh hạm đội kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc. Ảnh: CNN.

Trung Quốc đang thực hiện yêu sách phi lý chiếm trọn gần như toàn bộ Biển Đông và liên tục củng cố sự hiện diện quân sự trong khu vực. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố sẽ không từ bỏ dù chỉ vài centimet lãnh thổ.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ tuyên bố tiếp tục thực hiện chính sách khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, tự do và cởi mở.

William Choong, thành viên cao cấp tại Đối thoại Shangri-La, cho biết trong một tweet hôm 28/5, rằng sự xuất hiện của người đứng đầu quốc phòng Mỹ, Trung sẽ tạo ra một cuộc đụng độ giữa hai tầm nhìn về Ấn Độ - Thái Bình Dương. Một bên là chiến lược “tự do và cởi mở” do Mỹ, Nhật Bản lãnh đạo và “châu Á của người châu Á” của Trung Quốc.

Nhà phân tích Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm Tình báo liên hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, nói với CNN: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nhận ra giá trị của các địa điểm phòng thủ đa phương và muốn đẩy lui tầm ảnh hưởng quyền lực của Mỹ trong khu vực”.

Ý định của Mỹ đối với khu vực đang được thể hiện một cách mạnh mẽ. Lầu Năm Góc đã đẩy mạnh hoạt động tự do hàng hải thường xuyên hàng tuần. Chỉ huy Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, cho biết trong tháng này rằng các máy bay của Mỹ đã bay hàng ngày trên Biển Đông.

Washington cũng điều động tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, ngăn cách giữa đảo Đài Loan và Trung Quốc, hòn đảo mà Bắc Kinh gọi là một tỉnh nổi loạn.

Một trong những hoạt động của Mỹ tại eo biển Đài Loan là điều động tàu tuần tra của lực lượng Tuần duyên đi qua eo biển Đài Loan, sau đó tiến vào Biển Đông, đợt phô diễn sức mạnh lần thứ 5 của quân đội và cơ quan thực thi pháp luật hàng hải qua eo biển Đài Loan trong cuộc cạnh tranh Thái Bình Dương.

Tăng cường vũ trang và lôi kéo đồng minh

Các gói vũ khí mạnh mẽ hơn của Mỹ dường như cũng là một phần của kế hoạch. Trong cuộc tâp trận với Philippines vào tháng 4, Mỹ lần đầu triển khai tàu đổ bộ tấn công USS Wasp mang theo tới 10 tiêm kích tàng hình F-35B. Đây là số lượng F-35B nhiều nhất mà tàu đổ bộ mang theo trong một đợt triển khai.

Doi thoai Shangri-la anh 2
Tàu đổ bộ USS Wasp của Mỹ lần đầu mang tiêm kích tàng hình F-35B đến Biển Đông để tập trận. Ảnh: CNN.

Tất nhiên, không chỉ Mỹ tăng cường hoạt động trong khu vực, các đồng minh và đối tác của Washington cũng tham gia. Pháp đã điều động một tàu đi qua eo biển Đài Loan trong năm nay và đang phô diễn tàu sân bay Charles de Gaulle bên lề hội nghị.

Trong tháng 5, các tàu chiến của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines đã tổ chức cuộc tập trận đa phương ở Biển Đông. Trong khi đó, chủ nhà Singapore cũng tổ chức tập trận bắn đạn thật với Ấn Độ. Hải quân Hoàng gia Australia cũng triển khai 4 tàu chiến đến thăm 7 quốc gia châu Á trong chuyến đi kéo dài 3 tháng.

Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ đã tiết lộ về kế hoạch lớn hơn cho năm tới. Trong một cuộc họp với các phóng viên đầu tháng 5, Đô đốc John M. Richardson, Tư lệnh Bộ phận Tác chiến, Hải quân Mỹ nhắc lại kế hoạch triển khai 2 tàu chiến ven biển LCS đến Singapore. Đây sẽ là các tàu chiến Mỹ đồn trú gần Biển Đông nhất.

Trước đó vào tháng 3, tướng Robert Brown, chỉ huy quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương công bố kế hoạch huấn luyện 10.000 binh sĩ Mỹ trong kịch bản chiến đấu trên Biển Đông. Philippines và Thái Lan được đề cập là điểm đến tiềm năng cho quân đội Mỹ.

Ngoài tăng cường sức mạnh quân sự, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng đã đề xuất dự luật trừng phạt nhắm vào các tổ chức, cá nhân trợ giúp chính phủ Trung Quốc bồi lấp và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông.

“Trung Quốc đang thực hiện hành vi bắt nạt ở Biển Đông và biển Hoa Đông, xâm lấn, đe dọa các nước láng giềng. Hành vi hung hăng như vậy cần phải được kiểm soát”, Thượng nghị sĩ Ben Cardin, đảng Dân chủ, bang Maryland nói.

Bắc Kinh không lùi bước

Trung Quốc cũng cho thấy họ không lùi bước trong cuộc cạnh tranh quyền lực trong khu vực. Bắc Kinh liên tiếp hạ thủy chiến hạm mới, duy trì hoạt động ở Biển Đông, xung quanh đảo Đài Loan, xa hơn và đối đầu với Mỹ. Bắc Kinh nói rằng Washington gây nguy hiểm cho hòa bình trong khu vực.

Doi thoai Shangri-la anh 3
Xe thiết giáp lội nước Type-05 của Trung Quốc trong một cuộc tập trận đổ bộ. Ảnh: Chinamil.

Sau khi tàu khu trục USS Preble thực hiện tự do hàng hải qua gần bãi cạn Scarborough vào ngày 20/5, đại tá Li Huamin, phát ngôn viên Chiến khu Phương nam, nói trên trang web của quân đội Trung Quốc: “Sự khiêu khích của tàu chiến Mỹ đã gây nguy hiểm cho sự an toàn của tàu, máy bay và quân nhân hai bên, làm suy yếu chủ quyền và an ninh Trung Quốc, vi phạm các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế, phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Đại tá Li cho biết các tàu chiến và máy bay Trung Quốc đã được điều động giám sát tàu chiến Mỹ và cảnh báo yêu cầu rời khỏi khu vực do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc có đủ tàu chiến để giám sát hoạt động của tàu nước ngoài trên Biển Đông.

Ngày 12/5, Trung Quốc đã hạ thủy 2 tàu khu trục Type-052D thứ 19 và 20. Dự kiến hải quân Trung Quốc sẽ có khoảng 30 tàu chiến Type-052C/D. Trong một báo cáo được Lầu Năm Góc công bố vào đầu tháng 5, hải quân Trung Quốc là lực lượng lớn nhất châu Á với hơn 300 tàu chiến và tàu ngầm.

Nhà phân tích quân sự Euan Graham, người có mặt trên tàu chiến của Australia trong quá trình làm nhiệm vụ trên Biển Đông, cho biết các tàu chiến của Australia và Mỹ hoạt động trong khu vực đều được hải quân Trung Quốc giám sát chặt chẽ.

“Sự có mặt thường xuyên của tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông để theo dõi tàu nước ngoài, cho thấy đội tàu mặt nước của họ đã phát triển đủ lớn để giám sát theo ý muốn”, ông Graham viết trên The Strategist blog.

Ngoài tăng cường giám sát ở Biển Đông, ở phía bắc, các máy bay chiến đấu Trung Quốc, trong tháng 4 đã thực hiện một đợt diễn tập mà Đài Loan mô tả là “nhiệm vụ khiêu khích nhất” trong nhiều năm qua, khi bay qua đường ranh giới giữa đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục.

Chưa dừng lại ở đó, trong tháng 5, quân đoàn 74, quân đội Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận đổ bộ với sự tham gia của xe thiết giáp lội nước ZTD-05, vũ khí mà Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) mô tả là “phương tiện đổ bộ tiên tiến nhất thế giới”.

Đối thoại Shangri-La là nơi mà các bộ trưởng quốc phòng châu Á tranh luận về những thách thức an ninh cấp bách trong khu vực, tham gia vào cuộc đàm phán song phương và đa phương để đưa ra các giải pháp mới có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, thật khó để mong đợi bất kỳ thỏa thuận nào giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước.

Shangri-La 2019: Mỹ, Trung cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt

Lãnh đạo quốc phòng Mỹ và Trung Quốc sẽ đưa ra những thông điệp trái ngược tại diễn đàn năm nay trong bối cảnh hai cường quốc đang căng thẳng trong một loạt vấn đề.

Căng thẳng Mỹ - Trung phủ bóng Đối thoại Shangri-La 2019

Diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á tại Singapore năm nay là lần đầu tiên sau 8 năm, lãnh đạo quốc phòng của cả Mỹ và Trung Quốc cùng góp mặt với những bài phát biểu được trông chờ.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm