“Phố Wall và các thị trường tài chính cho đến nay đã coi nhẹ nguy cơ từ chiến tranh thương mại. Tương tự như vậy, họ cũng ít chú ý đến số nợ đã chất cao như núi”, ông Anthony Rowley, nhà báo kỳ cựu về kinh tế, tài chính châu Á, viết trong một bài bình luận trên South China Morning Post.
Theo ông Rowley, các quan chức và kinh tế gia ngày càng lo ngại về tổng số nợ trên toàn cầu. Họ cho rằng phần lớn các khoản nợ không được thống kê, và như vậy, chúng như tảng băng, mà con tàu kinh tế thế giới chỉ có thể nhìn thấy bề nổi.
Khi hộ gia đình, doanh nghiệp, và chính phủ vay tiền, họ luôn tính làm sao để trả được vốn lẫn lãi, hoặc tiếp tục vay thêm để trả nợ. Tuy nhiên, các toan tính đó chỉ đúng khi lợi nhuận tăng đủ nhanh để tiếp tục trả nợ, hoặc để đảm bảo khi vay thêm tiền. Khi nền kinh tế không cho phép như vậy, họ sẽ chậm trả nợ, vỡ nợ, và nếu tệ hơn có thể gây sự hoảng sợ trong nền kinh tế, theo Washington Post.
Tàu Titanic bị chìm năm 1912 sau khi va vào tảng băng trôi trên Đại Tây Dương. Ảnh: NZME. |
Nợ tư nhân và phần chìm của tảng băng
Để giải quyết sự thiếu minh bạch tình hình vay nợ, Viện Tài chính Quốc tế đặt ở Washington công bố một loạt quy định về minh bạch vay nợ ở hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 ở Fukuoka, Nhật Bản cuối tuần qua.
Thông thường, khủng hoảng nợ sẽ lớn dần trong khi các nền kinh tế đang không chú ý. Họ không nhận ra quy mô của tình trạng nợ cho đến khi quá muộn. Tổng số nợ hiện nay trong nền kinh tế toàn cầu có khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng. Nhưng các dữ liệu chính thức có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Các quy định về minh bạch được đề ra nhằm mục tiêu vén bức màn bí mật xoay quanh các khoản nợ tư nhân, mà các chuyên gia cho rằng châu Á cần phải ưu tiên theo dõi.
“Ở châu Á, nợ doanh nghiệp và nợ hộ gia đình ở mức cao hơn nhiều so với thế giới”, ông Rowley viết trên SCMP. “Trái lại, (đối với nợ công), châu Á khá thận trọng. Hầu hết chính phủ châu Á tìm cách giữ mức nợ công dưới 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chỉ bằng nửa mức nợ ở Mỹ và châu Âu. Nhật Bản là ngoại lệ với mức nợ 225% GDP”.
Ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, tổng nợ doanh nghiệp bằng 121% GDP vào cuối 2018, cao hơn nhiều so với thế giới, theo Viện Tài chính Quốc tế.
Nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc bằng 150% GDP, ở Hàn Quốc bằng 100% GDP, và ở Hong Kong bằng 221% GDP (một phần vì kinh tế Hong Kong có quy mô nhỏ). Tổng nợ doanh nghiệp cũng cao ở Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Nợ hộ gia đình (từ các khoản vay tiêu dùng hay mua nhà) cũng ở mức cao, bằng 48% GDP của khu vực, cao hơn nhiều so với các khu vực đang phát triển khác. Nợ hộ gia đình ở Hàn Quốc bằng 98% GDP, ở Thái Lan, Malaysia hoặc Trung Quốc bằng 50%.
Nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc đã lên tới 150% GDP. Ảnh: AP. |
Tổng nợ toàn cầu là bom nổ chậm?
Các thị trường mới nổi đang có 67.000 tỷ USD nợ, trong đó 5.300 tỷ USD là nợ ngoại hối. Điều này “tạo rủi ro đáng kể với người vay tiền, nếu đồng tiền của họ hạ giá so với đồng USD hoặc euro”, theo cựu giám đốc điều hành của Viện Tài chính Quốc tế Hung Tran. Ông Tran nhắc đến tổng nợ ngoại hối cao trong số các doanh nghiệp vay của Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Tổng nợ toàn cầu, tính cả nợ doanh nghiệp, nợ hộ gia đình và nợ công, đang “đạt tới 250.000 tỷ USD, xấp xỉ 317% GDP toàn cầu”, theo giám đốc Viện Tài chính Quốc tế Tim Adams. “Con số này đã tăng khoảng 70.000 tỷ USD kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, và gần nửa là do các chính phủ vay thêm”.
Để hiểu đúng con số này, cần phải so sánh với quá khứ. Nợ công ở các nước phát triển đã ở mức chưa từng thấy kể từ Thế chiến II, còn nợ công ở các nước đang phát triển cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ những năm 80.
Theo Washington Post, một phần không nhỏ trong tổng nợ đang đứng trước nguy cơ quá hạn. Báo cáo theo dõi nợ toàn cầu tháng 7/2018 của Viện Tài chính Quốc tế cho biết 1.000 tỷ USD nợ ở các nền kinh tế mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Brazil và Argentina đáo hạn vào năm 2018 và 2019.
Tổng nợ toàn cầu 250.000 tỷ USD đang ở mức đáng lo ngại, được gọi là “quả bom nợ” đe dọa kinh tế thế giới. Ảnh: AFP. |
“Quả bom nợ” càng nguy hiểm hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Thuế càng tăng, thương mại càng bị bóp nghẹt, các doanh nghiệp vay tiền sẽ càng khó trả nợ. Như vậy, kinh tế thế giới sẽ chững lại, hay thậm chí rơi vào khủng hoảng.
Ông Hung Tran không dự đoán sự hoảng loạn bao trùm như khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009, một phần vì các ngân hàng có lượng vốn dự trữ cao hơn trước. Thay vào đó, ông Tran dự đoán kinh tế thế giới sẽ không còn tăng trưởng dựa vào vay nợ như trước, mà sẽ chững lại.
“Nếu bạn nợ quá nhiều, bạn sẽ phải tìm cách giảm nợ”, Washington Post dẫn lời ông Tran trong một buổi họp năm ngoái. “Như vậy sẽ khiến kinh tế chững lại. Vì sẽ không thể tiếp tục vay tiền để đầu tư hoặc tiêu dùng”.
Theo ông Rowley, thị trường dường như đang tin rằng chừng nào lãi suất cơ bản của các ngân hàng trung ương toàn cầu còn thấp, tảng băng nợ sẽ không gây nguy hiểm gì cho "con tàu Titanic" của kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, nếu căng thẳng thương mại gay gắt và nền kinh tế chững lại, lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn sẽ bị ảnh hưởng, và lãi suất thấp sẽ không còn có thể cứu vãn kinh tế thế giới.
Chỉ có thể hy vọng Titanic không đâm phải tảng băng.