Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là vấn đề cực kỳ lớn trong năm 2018. Cuộc chiến này làm dấy lên nỗi lo sợ về chủ nghĩa chống toàn cầu hóa và việc nền kinh tế thế giới bị phân mảnh thành các thị trường riêng rẽ với mức độ bảo hộ cao.
Nhưng thị trường tài chính và các tập đoàn đa quốc gia sẽ mang Mỹ và Trung Quốc trở lại bàn đàm phán trong năm 2019, tương tự trường hợp của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vài tháng trước.
Hàng loạt doanh nghiệp, kể cả ngân hàng có thể phá sản
Thay vào đó, vấn đề lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới năm 2019 sẽ là sự sụp đổ hàng loạt của các doanh nghiệp. Nguy cơ này có thể dẫn đến việc các ngân hàng thương mại phá sản ở các thị trường mới nổi, những nơi phụ thuộc vào dòng vốn ngoại để duy trì mức sống cao.
Lý do nằm ở việc tăng lãi suất và sự kết thúc của chính sách tiền tệ dễ dàng (chính sách quản lý tiền tệ sử dụng các biện pháp để tạo ra nhiều tiền với tỷ lệ lãi suất thấp – PV) của các ngân hàng trung ương trong những năm gần đây.
Chính sách tiền tệ dễ dàng như một cơn sóng thần làm tăng cả cung – cầu của nền kinh tế thế giới lên mức cao hơn. Xét trên khía cạnh nhu cầu, chính sách này khuyến khích người tiêu dùng tiếp tục vay nợ. Một ví dụ cụ thể là tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng từ 18% năm 2008 lên hơn 50% năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ nợ của khu vực doanh nghiệp tại Trung Quốc vẫn là một ẩn số lớn.
Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng gần 3 lần sau 10 năm. Ảnh: SCMP. |
Về cung của nền kinh tế, chính sách tiền tệ dễ dàng khuyến khích các doanh nghiệp theo đuổi cơ hội kinh doanh mang lại lợi nhuận thấp. Tỷ lệ sử dụng tài nguyên để sản xuất công nghiệp tại Mỹ đã tăng từ khoảng 67% năm 2009 lên gần tới 80% vào năm 2011, theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang Saint Louis.
Trong khi đó, chỉ số Lạc quan của Doanh nghiệp nhỏ của Liên đoàn Kinh doanh Độc lập Quốc Gia Mỹ cũng tăng lên gần 108 năm 2018 từ mức gần 80 cách đó 9 năm. Đây là con số cao nhất từ những năm dưới thời tổng thống Mỹ Ronald Reagan, một giai đoạn nền kinh tế cũng được hưởng lãi suất thấp.
Hiểu một cách đơn giản, chính sách tiền tệ dễ dàng đưa nền kinh tế toàn cầu vào một chu kỳ tăng trưởng cao hơn.
Các khoản vay tiêu dùng lớn hơn kéo theo chi tiêu nhiều hơn. Chi tiêu nhiều hơn dẫn đến đầu tư nhiều hơn và sự ra đời của các doanh nghiệp mới. Cả hai điều này đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn và làm tăng thu nhập cũng như số lượng việc làm.
Cùng lúc đó, đầu tư nhiều hơn giúp mở rộng khả năng sản xuất của nền kinh tế cũng như giữ lạm phạt ổn định. Việc này cho phép các ngân hàng trung ương tiếp tục chính sách tiền tệ dễ dàng.
Và tất cả những điều trên làm thị trường tài chính phát triển mạnh mẽ dựa trên chính sách tiền tệ dễ dàng.
Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi trong vài tháng gần đây. Các ngân hàng trung ương đang tăng lãi suất. Cơn sóng của chính sách tiền tệ dễ dàng đang rút dần. Và điều này được dự đoán sẽ đẩy cung – cầu của nền kinh tế xuống mức thấp hơn.
Lãi suất tăng đẩy cung - cầu của nền kinh tế xuống thấp hơn. Ảnh: AP. |
Xét trên khía cạnh nhu cầu, chính sách tiền tệ dễ dàng kết thúc đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi vay nợ. Về cung của nền kinh tế, nó có thể đẩy những doanh nghiệp có lợi nhuận thấp đến bờ vực sụp đổ.
Sự kết thúc của chính sách tiền tệ dễ dàng có thể khiến nền kinh tế thế giới rơi vào một chu kỳ tăng trưởng chậm hơn. Các khoản vay tiêu dùng ít hơn sẽ dẫn đến chi tiêu ít hơn. Và chi tiêu ít hơn có thể dẫn đến làn sóng sụp đổ của các doanh nghiệp.
Đó chính xác là những gì đã diễn ra vào giai đoạn 2008 – 2009. Chỉ một thời gian ngắn sau khi Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, nền kinh tế Mỹ bắt đầu trượt dài trong suy thoái. Số lượng doanh nghiệp Mỹ đóng cửa mỗi quý tăng vọt lên 6.000, số lượng ngân hàng phá sản là 157.
Chủ nghĩa chống toàn cầu hóa làm tình hình thêm bi quan
Năm 2019, ngoài vấn đề lãi suất, chủ nghĩa chống toàn cầu hóa đang lan rộng, khiến tình hình kinh tế thế giới càng thêm bi quan.
“Tôi có quan điểm bi quan về triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Lý do là xu hướng gia tăng của tư tưởng chống lại tự do thương mại trên khắp thế giới trong những năm gần đây”, Dimitri Zabelin, chuyên gia phân tích chính sách tiền tệ của DailyFX, phát biểu. “Các cuộc bầu cử quốc hội tại EU vào năm 2019 có thể làm thị trường châu Âu xấu đi khi lục địa này đối mặt với sự phân mảnh lớn hơn nữa.”
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế chậm lại ở một số nước châu Á có thể khiến các tư tưởng chống toàn cầu hóa mạnh hơn. “Tốc độ tăng trưởng thấp hơn của Trung Quốc và Nhật Bản có thể đặt gánh nặng lên vai tăng trưởng toàn cầu. Tăng trưởng dự kiến chậm lại trong năm 2019 cũng có thể kéo theo sự gia tăng của các tổ chức chống lại những nguyên tắc kinh tế truyền thống, dẫn đến rủi ro lớn hơn và khiến triển vọng tăng trưởng xấu thêm”, Zabelin nói thêm.
Các nhà đầu tư đang bắt đầu cảm nhận được những gì sắp diễn ra khi giá cổ phiếu của các công ty nhạy cảm với nền kinh tế giảm xuống còn giá trái phiếu chính phủ tăng lên.