Trong báo cáo thường niên gần nhất mới công bố, BIS đã cảnh báo về nguy cơ "tái bệnh" mức độ nghiêm trọng, tương tự khủng khoảng kinh tế 10 năm trước, của kinh tế thế giới. Ngân hàng này cũng nhận định về khả năng sẽ không đủ "thuốc chữa" cho lần tái bệnh này.
"Mọi thứ có vẻ khá mong manh", nhà kinh tế trưởng tại BIS ông Claudio Borio nhận định. "Còn rất ít thuốc để giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe và chăm sóc cho anh ta trong trường hợp tái bệnh".
BIS cảnh báo về nguy cơ tái khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau 10 năm . Ảnh: AFP. |
Ngân hàng có trụ sở tại Basel được biết đến là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương này nhận định quá trình hồi phục sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đã "rất thiếu cân bằng" với việc các nền kinh tế đang lên phải chịu đặc biệt nhiều áp lực.
Ông Borio cho hay các ngân hàng trung ương toàn cầu đã dùng "thuốc liều cao" trong nhiều năm liền dưới dạng "lãi suất thấp và kéo dài bất thường" để kiềm chế khủng hoảng. Ông cho rằng điều này đã giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế, "nhưng đi kèm những tác dụng phụ không thể tránh khỏi".
Lấy ví dụ, ông nhấn mạnh những khủng hoảng mới nổ ra gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina chính là kết quả của "triệu chứng thiếu thuốc" khi ngân hàng trung ương các nước này giảm liều dùng.
Sau nhiều năm thắt chặt chính sách tiền tệ, Cục dự trữ liên bang Mỹ đang bắt đầu nâng lãi suất và Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB cũng cho hay sẽ kết thúc chương trình kích thích kinh tế vào cuối năm 2018.
Cảnh báo của BIS trùng khớp với lo ngại của giới chuyên gia kinh tế về chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm, theo đó, sau cuộc khủng hoảng tiền tệ tại khu vực châu Á năm 1997 là cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.