Thông tin này được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố sau cuộc hội đàm giữa hai đặc phái viên về khí hậu của Mỹ và Trung Quốc là ông John Kerry và ông Giải Chấn Hoa ở Thượng Hải trong hai ngày 15/4 và 16/4.
Sau phiên thảo luận, đại diện hai nước đã đồng ý hợp tác trong các tiến trình đa phương trong đó có Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry. Ảnh: Reuters. |
Theo đó, hai bên khẳng định theo đuổi các nỗ lực nhằm giữ cho mức tăng tăng nhiệt độ trung bình không quá 2 độ C và giới hạn xuống mức 1,5 độ C" như trong thỏa thuận.
"Hai bên nhắc lại vai trò lãnh đạo của sự hợp tác Mỹ - Trung trong quá khứ đối với quá trình hình thành, phê duyệt, ký kết và thực thi Hiệp định Paris.
Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ thực hiện những hành động trong ngắn hạn để giúp chống lại tác động của biến đổi khí hậu. Nỗ lực này bao gồm "những giải pháp phù hợp để tối đa đầu tư và tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi ở các quốc gia đang phát triển, từ năng lượng hoá thạch nồng độ carbon cao sang năng lượng xanh, nồng độ carbon thấp và năng lượng tái tạo.
Đồng thời, hai cường quốc khẳng định sẽ giảm dần quá trình sản xuất HCFC (hydrofluorocacbon), hợp chất được dùng trong ngành công nghiệp làm lạnh và sản xuất chất bán dẫn.
Trước đó, ông Kerry đã bày tỏ quan điểm "hy vọng, dù không mấy tự tin", rằng Trung Quốc sẵn sàng trở thành hợp tác với các quốc gia khác trong mục tiêu giảm phát thải carbon.
"Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực này", ông Kerry nói, "Chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ tham gia và đi đầu trong việc thực hiện".
"Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói về vai trò lãnh đạo của Trung Quốc và đây là lúc họ cần thể hiện điều đó", ông Kerry nói thêm.
Ông Kerry cho biết Tổng thống Joe Biden hiểu rằng Trung Quốc và Mỹ có những quan điểm khác nhau về biến đổi khí hậu, nhưng điều này không có nghĩa là hai bên nên bỏ qua cuộc khủng hoảng hiện hữu và đòi hỏi nỗ lực ứng phó chung.
Sắp tới, hai quốc gia đồng ý tiếp tục thảo luận xung quan các biện pháp cụ thể nhằm biến quyết tâm giảm trừ carbon của Mỹ và Trung Quốc thành hiện thực trong thập niên này.
Cuộc gặp của ông John Kerry và ông Giải Chấn Hoa diễn ra ngay trước thềm phiên họp thượng đỉnh về khí hậu được tổ chức tại Nhà Trắng sắp tới. Sự kiện có sự tham gia của 40 quốc gia bàn luận về biến đổi khí hậu thông qua hình thức trực tuyến.
Ngay sau đó, Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cũng sẽ được tổ chức tại Glasgow, Scotland.