Khi nhắc đến mùa xuân tại Nhật Bản, nhiều người liên tưởng đến loài hoa anh đào nổi tiếng, hay còn gọi là "sakura". Hoa anh đào có bông màu trắng và hồng, thường nở rộ khắp các dãy núi, tô hồng nhiều thành phố tại nước này.
Người dân Nhật Bản đổ xô đến các địa điểm ngắm hoa. Ảnh: Getty. |
Mỗi năm, hoa anh đào chỉ đạt “đỉnh điểm nở rộ” trong vài ngày. Đây là quy luật thiên nhiên đã tồn tại suốt hơn một nghìn năm qua. Khi đến mùa hoa anh đào, người dân Nhật Bản thường đổ xô đến các địa điểm ngắm hoa để dã ngoại hoặc chụp ảnh kỷ niệm.
Song năm nay, mùa hoa anh đào đến và đi một cách chóng vánh. Các nhà khoa học gọi đây là mùa hoa nở sớm nhất trong lịch sử, đồng thời chỉ ra nguyên nhân: một cuộc khủng hoảng khí hậu đang đe dọa hệ sinh thái.
Mùa hoa nở sớm
Thời điểm hoa anh đào nở rộ có thể thay đổi hàng năm, tùy vào nhiều yếu tố như thời tiết hay lượng mưa. Song nhìn chung, mùa hoa anh đào đang có xu hướng đến sớm hơn.
Nhà nghiên cứu Yasuyuki Aono từ Đại học Osaka Prefecture đã thu thập dữ liệu lịch sử tại thành phố Kyoto. Theo Aono, mùa hoa năm nay ở Kyoto bắt đầu từ ngày 26/3, sớm nhất trong hơn 1.200 năm qua.
Dữ liệu của chuyên gia Aono cho thấy thành phố Kyoto đón mùa hoa anh đào vào khoảng giữa tháng 4 trong suốt nhiều thế kỷ. Từ những năm 1800, mùa hoa dịch chuyển đến khoảng đầu tháng 4, trong đó có một vài năm mùa hoa diễn ra vào cuối tháng 3.
“Hoa Sakura rất nhạy cảm với nhiệt độ”, ông Aono phân tích. “Nhiệt độ có thể quyết định thời gian hoa nở. So với những năm 1820, mức nhiệt độ hiện tại ở Nhật Bản đã tăng khoảng 3,5 độ C”.
Ông cũng cho biết mùa hoa năm nay phản ánh rõ sự thay đổi của nhiệt độ. Cụ thể, mùa đông năm nay ở Nhật Bản rất lạnh trong khi mùa xuân đến nhanh và ấm áp lạ thường. Do đó, hoa anh đào đã “bừng tỉnh khi được nghỉ ngơi đủ”.
Hoa anh đào tại thủ đô Washington, Mỹ, cũng nở sớm. Ảnh: Getty. |
Tại thủ đô Tokyo, hoa anh đào nở rộ từ ngày 22/3, thời điểm sớm thứ hai trong lịch sử.
Tiến sĩ Lewis Ziska đến từ Đại học Khoa học Sức khỏe Môi trường Columbia cho biết: “Khi nhiệt độ toàn cầu ấm lên, những đợt sương giá mùa xuân xảy ra sớm, dẫn đến hiện tượng hoa anh đào nở sớm”.
Không chỉ ở Nhật Bản, những bông hoa anh đào tại thủ đô Washington, Mỹ, cũng nở sớm. Theo cơ quan quản lý Công viên Quốc gia, mùa hoa anh đào năm nay chỉ kéo dài gần một tuần, từ ngày 31/3 đến ngày 5/4.
Ngẫu nhiên hóa hệ sinh thái
Tuy nhiên, việc hoa nở sớm chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Phó giáo sư Amos Tai từ Đại học Hong Kong cảnh báo về cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu có thể gây bất ổn cho hệ sinh thái và đe dọa sự sống của muôn loài.
Trên thực tế, thực vật và côn trùng sống phụ thuộc vào nhau. Cả hai nhóm cần tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau, đồng thời cần tín hiệu từ môi trường để “điều chỉnh chu kỳ sống của riêng mình", theo ông Tai.
Ví dụ, thực vật cảm nhận được nhiệt độ xung quanh chúng. Nếu nhiệt độ đủ ấm trong một khoảng thời gian nhất định, chúng bắt đầu ra lá, đâm chồi và kết hoa.
Tương tự, côn trùng và nhiều loài động vật khác cũng phụ thuộc vào nhiệt độ trong suốt vòng đời. Nhiệt độ tăng cao có thể đẩy nhanh quá trình sinh trưởng của động vật.
Ông Tai cho biết: “Mối quan hệ giữa thực vật với côn trùng và các sinh vật khác đã phát triển trong nhiều năm, tức hàng nghìn đến hàng triệu năm. Nhưng trong những thế kỷ gần đây, biến đổi khí hậu đang phá hủy mọi thứ và làm xáo trộn các mối quan hệ này”.
Các loài thực vật và côn trùng có thể phản ứng với sự gia tăng nhiệt độ ở những tốc độ khác nhau, khiến vòng đời của chúng không còn đồng bộ.
Điều này có nghĩa là thực vật và côn trùng có thể không cùng phát triển vào mùa xuân. Giờ đây, hoa có thể nở rộ trước khi côn trùng sẵn sàng hoặc ngược lại. Ông Tai kết luận: “Côn trùng sẽ không tìm được dinh dưỡng từ thực vật còn thực vật không có đủ chất để thụ phấn”.
Tại thủ đô Tokyo, hoa anh đào nở rộ từ ngày 22/3. Ảnh: Getty. |
Theo một nghiên cứu năm 2009 trên tạp chí Biological Conservation, trong vài thập kỷ qua, một số quần thể thực vật và động vật đã tự biến đổi để thoát khỏi tác động của biến đổi khí hậu. Song hệ sinh thái ngày càng gặp khó khăn khi thích nghi, do khí hậu trở nên khó đoán định.
“Các hệ sinh thái không quen với những biến động lớn như vậy”, ông Tai nói. "Năng suất của hệ sinh thái có thể bị suy giảm, thậm chí sụp đổ trong tương lai”.
Những tác động của biến đổi khí hậu không chỉ giới hạn ở mùa hoa anh đào.
Ông Tai cho rằng hiện tượng thay đổi vòng đời đã xảy ra ở nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế, đặt ra thách thức với nền an ninh lương thực và sinh kế của nông dân. Cùng lúc này, nguồn cung lương thực ở một số khu vực dễ bị tổn thương còn chịu tác động trực tiếp của hạn hán và châu chấu.
"Nông dân sẽ khó dự đoán năng suất mùa màng”, ông Tai nhận xét. "Giờ đây, làm nông giống như đánh bạc. Biến đổi khí hậu đang ngẫu nhiên hóa mọi nhân tố trong hệ thống sinh thái của chúng ta”.